12 Feb 2009

Cuộc Chiến 1979 và Hoàng Sa

Written by : Huy Đức

Ngày 7-2-1979, tại Tokyo, khi ngầm thông báo với báo chí một chiến dịch “trừng phạt” Việt Nam, Đặng Tiểu Bình giải thích: “Hiệp ước mà Việt Nam và Liên Xô ký kết có tính chất đồng minh quân sự. Việt Nam đã mở cuộc xâm nhập vũ trang vào Campuchia và đang khiêu khích ở biên giới Trung Quốc”. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của cuộc chiến tranh mà Đặng Tiểu Bình thực hiện 10 ngày sau không đơn giản chỉ là những gì được nói ra trong lời tuyên bố ấy.

Hiệp ước mà ông Đặng đề cập là Hiệp ước hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô, ký ngày 3-11-1978. Hiệp ước này được ký kết sau khi mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã rất trầm trọng: Trung Quốc yêu cầu Việt Nam đóng cửa 3 tổng lãnh sự quán (6-6-1978) và cắt toàn bộ viện trợ (7-1978). Ngày 29-1-1979, khi hội đàm ở Mỹ, Đặng Tiểu Bình nhắc tới Campuchia, Afganistan với Tổng thống Jimmy Carter và cảnh báo “nguy cơ phản ứng dây chuyền”. J. Carter “đồng ý với Đặng cách nhìn nhận” ấy. Tuyên bố chung, hai ngày sau đó (1-3), nhấn mạnh, “Trung-Mỹ chống lại bất kỳ quốc gia hoặc tập đoàn quốc gia nào mưu kế bá quyền”. Đặng đã thành công khi sử dụng liên minh Việt-Xô để gieo rắc hoài nghi, khiến Mỹ làm ngơ cho Trung Quốc đánh Việt Nam, bên trong, Đặng không hề đánh giá cao “liên minh” ấy.

Trong hội nghị do Quân ủy Trung ương Trung Quốc triệu tập, bàn “chủ trương” đánh Việt Nam, không ít tướng lĩnh đã cảnh báo nguy cơ bị Liên Xô tấn công. Khi ấy, trên biên giới Trung- Xô, Liên Xô bố trí tới 50 sư đoàn chủ lực. Đặng Tiểu Bình nhận định: “Liên Xô không thể không xét tới nhiều nhân tố quốc tế nên khả năng (vì Việt Nam mà) can thiệp vào Trung Quốc là rất ít”. Trên thực tế, một tuần sau khi Trung Quốc đánh Việt Nam, không thấy Liên Xô “ra tay”, Trung Quốc đã đánh tiếp sang thị xã Lạng Sơn, và chỉ rút khi trên hướng này Quân Đoàn II xuất hiện.

Tại thời điểm Đặng tuyên bố với báo chí, 7-2-1979, quân đội Việt Nam có mặt ở Phnompênh vừa tròn một tháng, nên “yếu tố Campuchia” có vẻ như rất dễ thuyết phục. Nhưng, theo cuốn sách “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt” của NXB Đại học Tứ Xuyên, công bố năm 1993, ngay trong Hội Nghị Quân ủy Trung ương, từ 7 đến ngày 9 tháng 12 năm 1978, Trung Quốc đã quyết định đánh Việt Nam. Trong ngày 9-12-1978, Quyết định này đã được “tuyệt mật” chuyển tới tay tướng Hứa Thế Hữu (Tướng Hữu cùng với Dương Đắc Chí là hai tướng chỉ huy cuộc chiến tranh 17-2). Trong khi mãi tới ngày 25-12-1978, quân đội Việt Nam mới bắt đầu mở chiến dịch đánh sang Phnompênh.

Khi Khmer Đỏ chưa nắm được chính quyền, đang “ăn nhờ, ở đậu” gần Trung ương Cục (Việt Nam), Pol Pot, Yeng Sary đã “đi lại” với Bắc Kinh. Năm 1970, Lon Non lật đổ Sihanouk, Pol Pot đã rất cay cú khi Sihanouk được đưa về Hà Nội. Pol Pot nhận ra, họ không phải là lực lượng duy nhất mà Việt Nam ủng hộ ở đất nước nhỏ bé này. Cho dù sau đó “lá bài” Sihanouk cũng được “nuôi” ở Bắc Kinh như một ông hoàng, người Trung Quốc đã khéo léo nhen nhúm hiềm khích Việt Nam cho Pol Pot. Chính vì thế mà ngay trong năm 1975, Khmer Đỏ đã phản bội Việt Nam, bắn giết ở Phú Quốc, ở Thổ Chu và từ năm 1977 đánh sang An Giang, Tây Ninh, có khi vào sâu hơn 10 km. Tuy nhiên, cho dù có bị “mất mặt” khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn bị Việt Nam đánh đổ ở Phnompênh. Liệu, Trung Quốc có phải là một “đàn anh” trung thành với lân bang đến mức hy sinh mình như vậy?

Người Hoa và vấn đề “nạn kiều” cũng đóng một vai trò nhất định. Thật khó lý giải vì sao cuộc “cải tạo tư sản công thương nghiệp”, đụng tới hàng trăm nghìn người Hoa, lại được Việt Nam tiến hành năm 1978, khi mà mối quan hệ với Trung Quốc đang hết sức căng, nếu như không đề cập đến câu chuyện sau đây, câu chuyện mà sách vở chưa bao giờ nói đến. Bí thư Thành ủy TP HCM vào thời điểm 1975, ông Võ Văn Kiệt, kể: “Sau ngày 30-4, ở khu vực Chợ Lớn có một chi bộ có vũ trang thuộc bộ phận hải ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chi bộ này xuất hiện bí mật từ trước 30-4 và khi đó họ đòi được công khai hoạt động”. Để một lực lượng Trung Quốc có vũ trang ở Chợ Lớn thì cũng không khác chi “đặt mồi lửa dưới đống củi”, Việt Nam buộc phải “giải giáp” họ. Bắc Kinh rất khó chịu về vụ “giải giáp” này. Nhưng, cho dù có bao nhiêu người Hoa đã phải ra đi trong năm 1978 thì “nạn kiều” vẫn là một “lá bài” mà Trung Quốc cũng chủ động “chơi” chứ không hẳn là nguyên nhân khiến cho Đặng Tiểu Bình đưa quân sang Việt Nam xâm lược.

Tác giả của “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt” còn chỉ ra một vấn đề rất có thể cũng là nguyên nhân: Năm 1978, Đặng Tiểu Bình vừa khôi phục lại quyền lãnh đạo quân đội, “Ông có ý thức nhạy bén… thông qua cuộc chiến tranh, vừa thăm dò được sự trung thành (của quân đội), vừa làm cho các nhà lãnh đạo (Trung Quốc) khác nhận rõ những mặt phải cải cách quân đội”. Đại tá Hà Tám, chỉ huy trung đoàn 12 anh hùng đánh Trung Quốc tháng 2-1979, cho biết: “Mặc dù pháo theo cùng của Trung Quốc bắn khá chính xác, nhưng, bộ binh thì chủ yếu dùng ‘biển người’; chỉ huy của Trung Quốc lúc ấy ra trận mà vẫn có người che ô, quân thì chờ kèn kêu mới xông trận”. Sau ngày 17-2, Trung Quốc đã gấp rút cải cách quân đội, và họ đã “thử nghiệm” lại trên Biên giới Việt Nam vào ngày 28-4-1984 bằng một chiến dịch với phương thức chiến tranh hoàn toàn mới.

Đặng Tiểu Bính nói: “Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán”. Cuộc chiến tranh được huy động khi mà Trung Quốc đang vô cùng lạc hậu sau các cuộc cách mạng “da thịt tàn nhau” không chỉ nhắm đến một mục tiêu. Bằng cách kể lể kiểu chương hồi, cuốn sách mà Trung Quốc cho công bố, “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt”, đã để lộ một ý đồ thâm sâu của Đặng, đó là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh ở miền Nam, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã bày tỏ thái độ khá kiên định về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, quần đảo mà từ lâu Trung Quốc đã rắp tâm thôn tính.

Tháng 6-1975, Bộ Ngoại Giao Việt Nam gửi công hàm cho Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa. Ngày 24-9-1975, khi gặp Đặng Tiểu Bình ở Bắc Kinh, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã “yêu cầu phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đàm phán về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa”. Tháng 4-1977, trên đường đi Liên Xô ghé qua Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã gửi đến Trung Quốc thông điệp của Việt Nam về hai quần đảo ấy. Tuy nhiên, trước sau Trung Quốc đều một mực “yêu cầu Việt Nam trở lại lập trường trước năm 1974”. “Lập trường trước năm 1974”, theo cuốn sách “10 Năm Chiến Tranh Trung Việt” là “Tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958”. Cuốn sách nói là Đặng Tiểu Bình đã rất “khó chịu” với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đặng nói: “Vấn đề này không cần thiết phải đàm phán… (đó) là lãnh thổ Trung Quốc”.

Có lẽ, năm 1979, Đặng Tiểu Bình nghĩ là có thể đè bẹp ý chí của người Việt Nam trong vấn đề đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa nên đã phát động chiến tranh. Và, các yếu tố như Liên Xô, Campuchia được Đặng vận dụng tối đa để cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Điều cay đắng là, lẽ ra Đặng đã không thể cô lập Việt Nam để gây đổ máu của dân ta như thế nếu như sau 1975, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước trong khối ASEAN ngay và đặc biệt, bình thường ngoại giao với Mỹ. Năm 1977, khi Mỹ chìa tay ra cho Việt Nam, theo Tổng thống Jimmy Carter, “vấn đề bồi thường chiến tranh đã gây khó khăn”. Rồi, trong khi Việt Nam đang loay hoay thì Đặng Tiểu Bình đã khai thác yếu tố này ngay, để thiết lập được quan hệ ngoại giao với Mỹ và đặt Việt Nam vào tình huống bị bao vây, cấm vận. Tất nhiên, “ý thức hệ” đóng một vài trò quan trọng trong quyết định “nhất biên đảo” với Liên Xô; năm ấy, báo Nhân Dân vẫn chỉ trích Đặng về chủ thuyết “mèo trắng, mèo đen” và ngày nay, chúng ta vẫn cần phải quan tâm tới bài học ấy.

Tôi công bố bài viết này không chỉ vì sắp đến ngày 17-2 mà còn vì, muốn lưu ý, “người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán”, không nên đặt cuộc chiến tranh 17-2 ra ngoài âm mưu Biển Đông. Bản Giốc, Tục Lãm… giờ đã xong; nhưng, Hoàng Sa, Trường Sa thì vẫn đó.

No comments: