8 Apr 2009

Châu Phi thất vọng với đầu tư tài nguyên từ Trung Quốc

Các chính phủ châu Phi giờ đây nhận ra rằng các thỏa thuận với Trung Quốc thực chất là những món nợ có hại cho thu nhập trong tương lai, và tình trạng giá khoáng sản giảm sút có thể làm tăng gánh nợ nần trên vai họ.
Chiến lược của Trung Quốc ở châu Phi đang thay đổi trong bối cảnh kinh tế thế giới sa sút, và các nước châu Phi đang dần nhận ra vai trò của các khoản viện trợ đến từ phương Tây. Đó là phân tích của tác giả Lydia Polgreen trên tờ New York Times của Mỹ số ra ngày 25/3.

Các công nhân Trung Quốc và Guinea đang cần cù làm việc quần quật tại một công trường nóng như đổ lửa ở ngoại ô thành phố Conakry, xây dựng biểu tượng mới nhất cho một liên minh có thâm niên và vững mạnh: một sân vận động có 50.000 chỗ trị giá 50 triệu USD. Khắp thành phố này có rất nhiều những dấu hiệu của tình hữu nghị nảy sinh từ thời Guinea còn là một nước xã hội chủ nghĩa bị cô lập và gặp đầy khó khăn cuối những năm 1950.
Nhưng cho tới giờ, Guinea chưa có được điều mà họ thực sự chờ đợi ở nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới này: một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đổi lại việc Trung Quốc được quyền khai thác nguồn tài nguyên bô-xít và quặng sắt khổng lồ của quốc gia nghèo khó này.

Vì giá tài nguyên trên toàn cầu sụt giảm và một số đối tác châu Phi của Trung Quốc ngày càng chìm sâu trong hỗn loạn, Bắc Kinh đã quay lưng lại với một số dự án hiếu chiến và rủi ro nhất và tìm những bảo đảm mà các công ty phương Tây cũng từ lâu tìm kiếm cho các nguồn đầu tư của họ: đó là sự ổn định về chính trị và kinh tế.

Ông Huo Zhengde, Đại sứ Mỹ ở Guinea, đã giải thích sự do dự của Trung Quốc trong việc đầu tư hàng tỷ USD vào Guinea là vì một nhóm quan chức quân sự đã lên nắm quyền ở đây sau khi vị tổng thống kỳ cựu của Guinea qua đời hồi tháng 12/2008. Ông khẳng định: “Tình hình chính trị chưa ổn định lắm. Các thị trường quốc tế không thuận lợi”.

Mới chỉ một năm trước, Trung Quốc đã xuất hiện để thay đổi trật tự có từ hàng thập kỷ nay ở châu Phi, lấp đầy khoảng trống mà nhiều công ty phương Tây e ngại không dám đầu tư vào châu lục bất ổn nhưng giàu tài nguyên này, do thị trường đồng, thiếc, dầu mỏ và gỗ tăng trưởng mạnh. Trong cuộc tranh giành của cải của châu Phi giữa các nước giàu, Trung Quốc đã giành được cổ phần lớn.

Với phương thức tiếp cận không ràng buộc và liều lĩnh, Trung Quốc dường như đem đến cho châu Phi một giải pháp kinh tế và chính trị hoàn hảo thay cho các khoản viện trợ với quá nhiều điều kiện và yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế mà phương Tây và các cơ quan cứu trợ quốc tế đòi hỏi châu lục này trong nhiều năm, mà hậu quả thường không như mong muốn. Một Trung Quốc đang nổi, muốn tìm kiếm bạn hữu và tài nguyên, dường như đã đem đến những tấm séc trắng cho người sử dụng tự điền vào.

Giờ đây, nhu cầu của Trung Quốc đối với các loại hàng hóa không giảm. Các công ty nhà nước vẫn đang mặc cả để khai thác quặng sắt và đồng giá rẻ ở những nước ổn định hơn như Zambia và Liberia. Nhưng họ cũng mặc cả nhiều hơn và tránh những nước bất ổn nhất châu Phi. Phải chịu tình trạng doanh thu giảm dần, các chính phủ châu Phi bắt đầu nhận ra rằng sau tất cả họ có thể vẫn cần tới sự trợ giúp của phương Tây.

Anh Philippe de Pontet, một chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu tư nhân Eurasia Group, cho biết: “Trước đây, chúng ta thấy các công ty của Trung Quốc đã xâm nhập vào các nước mà cả thế giới không dám làm. Nhưng điều này có lẽ đang thay đổi”.

Năm 2007, Trung Quốc đưa ra một thỏa thuận trị giá 9 tỷ USD với Congo, theo đó Bắc Kinh sẽ được khai thác tài nguyên đồng, cô-ban, thiếc và vàng của nước này, đổi lại, họ đầu tư xây dựng đường xá, trường học, đập nước và đường sắt... để xây dựng lại một đất nước có diện tích xấp xỉ Tây Âu bị chiến tranh tàn phá hơn một thập kỷ qua.

Nhưng thỏa thuận này giờ đang bị xem lại vì giá tài nguyên sụt giảm khiến Congo bị đặt vào thế yếu trên bàn đàm phán. Kinshasa bỗng nhiên lại thấy cần sự trợ giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổ chức đã phản đối xóa nợ công cũ cho Congo ngay khi nước này nhận từ Trung Quốc các khoản vay đổi quyền khai thác khoáng sản mới. Sự rối loạn về chính trị và sắc tộc ở Congo ngày càng nghiêm trọng, và nền kinh tế của nước này đang đứng bên bờ vực sụp đổ.

Một năm trước, các yếu tố này dường như không được tính đến. Các công ty Trung Quốc sẵn sàng đàm phán các thỏa thuận nhằm tìm kiếm nguồn dầu mỏ ngoài khơi Somalia, nơi bị hải tặc hoành hành, hay tìm cách khai thác kim loại phục vụ công nghiệp ở những nơi như Zimbabwe. Không giống với các quốc gia phương Tây, các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc không hề ngần ngại khi kinh doanh với chính phủ Sudan, vốn bị quốc tế tẩy chay vì cuộc xung đột ở Darfur.

Trung Quốc ủng hộ mô hình mới cho đầu tư vào châu Phi: thương mại đôi bên cùng có lợi, giữa các quốc gia có chủ quyền, và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau như kiểu các nhà tài trợ và đầu tư phương Tây thường làm bằng cách đòi phải tuân thủ các chuẩn mực về môi trường hay lao động, hoặc dân chủ và nhân quyền.

Các chính sách này đã được nhiều chính phủ châu Phi ủng hộ, và thương mại giữa châu Phi với Trung Quốc đạt hơn 100 tỷ USD trong năm 2008, từ mức dưới 10 triệu USD trong những năm 1980. Các lãnh đạo châu Phi công khai nói về quà tặng của Trung Quốc như sự thay thế cho những chỉ thị của các thể chế bị phương Tây thao túng, như IMF hay Ngân hàng thế giới (WB).

Tại Guinea, nơi có những quặng bô-xít lớn nhất thế giới, một loại khoáng sản cần thiết để tạo ra nhôm, niềm hy vọng đó là tất cả, nhưng giờ đã tiêu tan.

“Trung Quốc đã thay đổi chiến lược, ông Ibrahima Sory Diallo, một nhà kinh tế học tên tuổi của Bộ Tài chính Guinea và cũng là một luật sư cho các hợp đồng đầu tư của Trung Quốc, cho biết. Họ sẽ không rót 5 tỷ USD vào một quốc gia bất ổn trong không khí bất trắc trên thị trường hiện nay”.

Thực dân Pháp đã có lần gọi Guinea là một xì-căng-đan địa chất: nước này có rất nhiều khoáng sản quý, nhưng bất chấp nhiều năm khai thác và hàng tỷ USD lợi nhuận, Guinea vẫn là một trong những nước nghèo nhất và chậm phát triển nhất châu Phi.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các chính phủ Guinea - đầu tiên là dưới thời Tổng thống Lansana Conté, người lãnh đạo suốt 24 năm cho đến khi qua đời vào năm ngoái, và sau này là chính phủ quân sự - đều muốn tận dụng nguồn vốn và kinh nghiệm xây dựng của Trung Quốc.

Cách để Trung Quốc có được nguồn khoáng sản dồi dào ở châu Phi là ký các thỏa thuận xây dựng các công trình khổng lồ. Tại Angola, kiểu hợp đồng này đã đảm bảo cho Trung Quốc được khai thác dầu mỏ của nước cung cấp dầu lớn thứ tư thế giới.

Angola giờ đang phất lên sau khi bị xé nát vì cuộc nội chiến dữ dội dài hàng thập kỷ. Các quan chức Trung Quốc và Angola đã phô trương mối quan hệ này như hình mẫu của đầu tư Trung Quốc vào châu lục Đen, một dạng quan hệ đôi bên cùng có lợi.

Nhưng mô hình này đã gặp phải nhiều vấn đề trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Các chính phủ châu Phi giờ đây nhận ra rằng các thỏa thuận với Trung Quốc thực chất là những món nợ có hại thu nhập trong tương lai, và tình trạng giá khoáng sản giảm sút có thể làm tăng gánh nặng nợ nần trên vai họ.

Đó cũng chính là điều đã xảy ra ở Congo. Bà Patricia Feeney, Giám đốc điều hành một công ty luật gia có trụ sở tại Anh, nhận định rằng với mức giá hiện nay, Congo khó đạt được chỉ tiêu sản lượng nghiêm ngặt trong thỏa thuận với Trung Quốc. “Người Congo đã quá kỳ vọng vào việc họ có thể nhờ cậy vào Trung Quốc và đã quay lưng lại với các nhà tài trợ phương Tây, và tỏ ra không thân thiện với những người thực sự muốn giúp đỡ họ”.

Tại Guinea, Trung Quốc đã lảng tránh điều mà các quan chức Guinea miêu tả là một thỏa thuận đã được nhất trí về việc xây một đập thủy điện trị giá 1 tỷ USD đang rất cần thiết. “Con đập không phải là một quà tặng, đó là một dự án đầu tư”, Đại sứ Trung Quốc nói. Đó là ý nghĩa của khái niệm đôi bên cùng có lợi”.


Người dân Guinea đang ngày một nghi ngờ về các khoản đầu tư của Trung Quốc. Nhiều người thấy các công ty Trung Quốc chỉ đang khai thác họ y như các công ty của phương Tây không hơn không kém.

Sau khi quân đội lên nắm quyền vào tháng 12/2008, chính quyền mới ở Guinea đã bất ngờ mở cuộc khám xét các công ty Trung Quốc bị nghi là bán thuốc giả, nhưng các cuộc khám xét này đã bị biến thành một vụ cướp phá công khai các doanh nghiệp Trung Quốc, làm bùng lên nỗi oán giận từ lâu bị kìm nén.

Anh Hamidou Condé, 35 tuổi, đang tham gia đào móng để xây một bệnh viện mới, cũng là một biểu tượng cho tình bằng hữu Trung Quốc – Guinea, do một công ty Trung Quốc làm chủ thầu, cho biết hàng ngày anh làm việc như một nô lệ dưới cái nắng như đổ lửa ở Guinea mà chưa nhận được đồng lương nào từ các đốc công suốt hai tháng nay. Anh nói: “Trung Quốc chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho Guinea”./.

(dịch từ NYTimes)

No comments: