24 Oct 2009

Thế cờ chiến lược Mỹ - Trung bắt đầu có dấu hiệu phân chia thắng bại

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung nóng lạnh thất thường, vấn đề khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã dần có những dấu hiệu sáng sủa hay mối quan hệ Nga-Mỹ đã bắt đầu được khởi động, điều này khiến người ta có thể hiểu được rằng thế cờ chiến lược Mỹ-Trung đã bắt đầu có sự phân chia mạnh yếu.
Theo các nhà phân tích chính trị thế giới đã nêu rằng, vấn đề căng thẳng và đối đầu lẫn nhau giữa hai miền Triều Tiên thực chất nó chỉ là một ván cờ chiến lược, mà người chơi chính là hai ông lớn Mỹ-Trung. Bóng mây u ám trên bầu trời bán đảo này đã bắt đầu chuyển động và có dấu hiệu tan biến, điều này đồng nghĩa với việc bàn cờ đã có dấu hiệu phân chia thắng bại. Tới lúc này có thể biết được kẻ thắng và thua trong ván cờ này.



Dấu hiệu của sự phân thắng bại đã được bắt đầu từ tháng 4/2009, Triều Tiên đã rút khỏi đàm phán 6 bên nhằm phản đối những chỉ trích của cộng đồng quốc tế về vụ phóng tên lửa tầm xa của quốc gia này. Sau đó vào tháng 5, Bình Nhưỡng lại tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và một loạt các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo. Nhưng, trong những tháng gần đây, Bắc Triều Tiên nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Seoul và Washington. Các nhà phân tích đã nhận định rằng, động thái này có thể bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã có tác dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những nhà quan sát chỉ ra hai khả năng sau: Thứ nhất là, sức mạnh quân đội của Bắc Triều Tiên và ông lớn đứng sau nó là không có gì đáng để người ta sợ hãi; thứ hai là, chính bản thân Bắc Triều Tiên đã nhận ra điều gì đó và đã bắt đầu có những dấu hiệu ngả về phía Mỹ.



Một động thái khiến thế giới bất ngờ nhất là việc Bình Nhưỡng đã trả tự do cho 02 nhà báo Mỹ ngay sau khi cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton có chuyến thăm bất ngờ tới Bình Nhưỡng hôm 05/8/2009. Việc thả 02 nhà báo này đã diễn ra trong thời điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ lên cao sau các cuộc thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Giới phân tích từng nhận định Bình Nhưỡng có thể dùng hai phóng viên làm lá bài trong đàm phán nhằm đổi lấy nhượng bộ từ Washington. Điều này đã khiến thế giới có thể hiểu rằng Bắc Triều Tiên đã bắt đầu có những bước đi tới gần với Mỹ và bỏ xa dần Trung Quốc.



Chính hai sự kiện trên là dấu hiệu đầu tiên của sự phân chia thắng bại trên bàn cờ chiến lược của Mỹ và Trung Quốc. Tiếp theo của nước cờ này là một loạt các bước đi lại gần phía nhau hơn giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ: Ngày 29/9, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Kil-yon khẳng định “Triều Tiên – quốc gia đang nhằm mục đích phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên – sẵn sàng thay thế thỏa thuận ngừng bắn kết thúc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 bằng một Hiệp định hòa bình vĩnh viễn và ký hiệp ước không xâm lược với Washington”, tuyên bố này hầu như lặp lại lập trường đã thông báo trước đó của Bình Nhưỡng và nhắc lại lời kêu gọi đàm phán song phương với Mỹ để giải quyết các vấn đề đã được đề cập. Tiếp đó hôm 05/10, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il nói, đất nước của ông sẵn sàng “tổ chức các cuộc hội đàm đa phương, nhưng phụ thuộc vào kết quả hội đàm song phương Mỹ - Triều. Các cuộc hội đàm 6 bên cũng nằm trong các cuộc hội đàm đa phương”. CHDCND Triều Tiên hồi đầu tháng 10 đã bày tỏ sẵn sàng trở lại các cuộc đàm phán đa phương về chương trình hạt nhân nhưng trước đó họ đã bày tỏ mong muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ trước.



Về phía Mỹ, ngày 16/10, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận họ đã cho phép cấp visa cho một phái đoàn của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do ông Ri Gun, phó đại diện của CHDCND Triều Tiên tại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân sang Mỹ tham dự các cuộc đàm phán với các quan chức nước này vào cuối tháng 10/2009 và cũng sẽ tham dự một diễn đàn an ninh kín tại California.



Quan hệ Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đã bắt đầu dần được cải thiện thông qua nhiều hành động thiết thực. Đặc biệt quan tâm là việc Hàn Quốc sẽ lắp đặt thiết bị liên lạc qua biên giới để nâng cấp hai đường dây nóng với Triều Tiên trong dự án đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Tổng thống Lee Myung-bak lên cầm quyền vào đầu năm 2008, đường dây liên lạc quân sự liên Triều là kênh thông tin chính được sử dụng để trao đổi danh sách khách tham quan khu công nghiệp Kaesong ở Triều Tiên. Tuần trước, CHDCND Triều Tiên, quốc gia đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực triền miên do việc quản lý nông nghiệp kém trong nhiều năm qua, đã yêu cầu Hàn Quốc nối lại viện trợ lương thực vốn bị gián đoạn sau khi Tổng thống Lee Myung-bak nhậm chức. Hàn Quốc khẳng định, họ đã sẵn sàng khôi phục viện trợ lương thực với số lượng nhỏ nhưng chưa có kế hoạch cụ thể trong việc giao hàng viện trợ. Như vậy, mối quan hệ liên Triều đã bắt đầu được ấm dần lên, điều này đã chứng tỏ rằng quan hệ Mỹ, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cũng sẽ dần được ấm lên. Tiếp đó là sự phân tách tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra khỏi Bắc Triều Tiên đã dần rõ nét.



Tiếp theo của một nước cờ đầy chiến thắng của Mỹ đã khiến Trung Quốc phải lo sợ chính là mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ thời gian gần đây đây. Khi tham gia Hội thảo của các chuyên gia về đề tài “Trung Quốc năm 2025” do Ủy ban quan hệ ngoại giao Mỹ tổ chức vào hôm thứ Hai (19/10) vừa qua, chuyên viên nghiên cứu cấp cao các vấn đề Đông Á, Trung Á và Nam Á Avon Feigenbaum cho biết, Bắc Kinh ngày càng cảm thấy lo lắng trước mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Mỹ - Ấn, “từ năm 1962 đến nay, các chiến lược gia Trung Quốc đã đưa ra những kết luận cơ bản rằng, họ có thể dựa theo phương thức của mình để kết giao với Ấn Độ, nhưng khi bạn đặt thêm Mỹ vào trong phương trình này, nó sẽ mang đến các kiểu bất ổn cho những quyết sách của Trung Quốc”. Nói đến quan hệ Mỹ - Trung, có chuyên gia nhận định rằng, nếu giữa họ xuất hiện sự căng thẳng trong quan hệ, toàn bộ châu Á hay các khu vực khác có thể sẽ bị phân chia thành những phe cánh khác nhau, giống như một cuộc “chiến tranh lạnh mới”. Trước tình hình hiện tại, quan hệ Trung – Mỹ tương đối khá phức tạp. Hay chính mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Mỹ-Ấn là một sự thất bại đối với Trung Quốc, mối quan hệ này đã đẩy lùi Trung Quốc về một thái cực đơn và cũng đã bắt đầu có một vạch vô hình tách biệt Trung Quốc ra khỏi mối quan hệ với các quốc gia láng giềng.



Đối với Nga, một cường quốc mạnh trên thế giới cũng bắt đầu có những bước đi hướng tới Mỹ, nhằm tăng cường mối quan hệ tốt đẹp song phương và Nga-Mỹ cũng bắt đầu có sự hiểu biết và tin tưởng nhau hơn. Điều này đã được chứng minh trong lời phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi tới thăm Nga hôm 12/10 rằng, bà hoàn toàn tin tưởng vào Nga và bà không thấy có bất kỳ lo ngại nào về việc ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của Nga.



Quan hệ Nga-Mỹ trong thời gian gần đây đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Bằng chứng đó là một loạt các cuộc tiếp xúc quan trọng, cũng như những quyết định của lãnh đạo hai bên nhằm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Vào tháng 7/2009 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến đi lịch sử hai ngày (06-08) tới Moscow. Chuyến công du này của ông Obama nhằm làm sống lại mối quan hệ Nga-Mỹ vốn đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev đã đạt kết quả làm hài lòng cả đôi bên, đánh dấu một đỉnh điểm cải thiện quan hệ Nga-Mỹ. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định quan hệ hợp tác giữa Nga và chính quyền mới của Mỹ đang đạt tới một tầm cao mới. Hai nước đã thể hiện được quan điểm chung và cùng nhau tìm kiếm những giải pháp quan trọng nhất cho những vấn đề khó khăn nhất.



Quan hệ Nga-Mỹ lại được củng cố hơn khi mới đây Tổng thống Obama tuyên bố bỏ ý định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) Đông Âu, kế hoạch mà Nga kịch liệt phản đối vì cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia Nga..



Qua mối quan hệ ngày càng sâu rộng giữa Nga và Mỹ là một bằng chứng rõ nét hơn của vạch ngăn cách giữa Trung Quốc với các quốc gia trước đó là bạn. Cũng từ mối quan hệ Nga-Mỹ ngày càng tin tưởng và hiểu biết nhau hơn đã đẩy Trung Quốc biệt lập hẳn ra khỏi thế giới hợp tác và hữu nghị. Điều này chứng tỏ Trung Quốc tiếp tục lại bị một bàn thua trước Mỹ.

No comments: