Nguyễn Lương Hải Khôi
trả lời những câu hỏi của Lê Ngọc Sơn
KHI ODA TRỞ THÀNH “BINH PHÁP”:
1. Theo anh, về phương diện lý thuyết, bản chất của ODA là gì? Anh thấy ODA đóng vai trò thế nào đối với sự phát triển của một quốc gia, như Việt Nam?
Về mặt “lý thuyết”, ODA là “sự ưu ái” của nước giàu đối với nước chưa giàu. Trên thực tế thì không chỉ như vậy. Nhiều học giả Nhật đã chỉ ra rằng, ODA là một vũ khí kinh tế của nước họ.
Về vai trò của ODA đối với Việt Nam, ODA là cây anh túc, biến nó thành ma túy hay thành thuốc chữa bệnh là do con người.
2. Nhiều người xem việc vay được nhiều vốn ODA là vui, nhưng anh thì nghĩ thế nào?
“Vui” là một cảm xúc. ODA là câu chuyện của kinh tế, của tư duy chiến lược, của cuộc tranh đua về mặt trí tuệ giữa nước giàu và nước chưa giàu. Đó không phải là nơi con người ta nên hành xử bằng cảm xúc. Chỉ có thể nhìn nó bằng đôi mắt lạnh lùng của lý trí. Được cũng không vui, không được cũng không buồn.
3. Có người viện dẫn, sở dĩ Nhật Bản cho các nước đang phát triển vay thoải mái là vì “tình cảm”. Theo anh, liệu trong chuyện ODA này, có chuyện “tình cho không, biếu không”?
Để tránh chủ quan, trong bài viết “ODA – “Sát thủ kinh tế” của Nhật Bản?” trên trang Viet-studies của Gs. Trần Hữu Dũng (Tạp chí Tia Sáng Online của Bộ Khoa học Công nghệ đã đăng lại toàn văn), người viết đã giới thiệu nghiên cứu của chính các học giả Nhật. Theo các học giả Nhật này, chính sách ODA hiện nay của Nhật vốn được ra đời trong giai đoạn Nhật phục hồi kinh tế sau thế chiến II, với mục đích là tìm kiếm thị phần và bảo hộ lợi nhuận cho các doanh nghiệp Nhật. Đó là một vũ khí kinh tế.
4. Là người đang sống ở Nhật, xin hỏi anh, người Nhật thực sự suy nghĩ gì về ODA?
Thái độ của người dân trong xã hội Nhật thì tôi không thể biết chính xác. Thái độ của các học giả thì tôi tạm chia làm 3 nhóm.
- Nhóm “phê phán”: như trên đã nói.
- Nhóm “biện hộ”: Bài viết “ODA – “sát thủ kinh tế” của Nhật Bản?” cũng có giới thiệu về những quan điểm biện hộ cho chính sách ODA Nhật.
- Nhóm “cải cách”: Đề nghị cải cách ODA theo hướng nhân văn hơn. Chẳng hạn, Đại học Hiroshima từng tổ chức một hội thảo ngày 21/8/2001 có chủ đề “ODA của thế kỷ 21 – từ xây dựng vật chất đến kiến tạo con người”. Các học giả tham gia hội thảo đã kêu gọi xây dựng một chính sách ODA theo hướng lấy sự phát triển con người là cái đích cuối cùng mà các dự án ODA đạt tới, thay vì chỉ là “cầu”, “cảng”, “đường”.
CHUYỆN VỀ NHỮNG GIẤC MƠ
5. Anh nghĩ gì về các siêu dự án như “đường sắt cao tốc”, “quy hoạch Hà Nội”, “Thành phố ven sông Hồng”…
Các siêu dự án này đều có chung mấy điểm sau:
- Đều do các nhóm tư vấn nước ngoài thực hiện. Trong các dự án này, những hạng mục quan trọng nhất được đề xuất là những hạng mục đòi hỏi một khả năng tài chính và kỹ thuật mà Việt Nam hiện chưa làm nổi. Nếu phê duyệt dự án, cách duy nhất để thực hiện là vay ODA và trao thị phần cho nước mình vay.
- Chính phủ không lập bất kỳ một Nhóm nghiên cứu chuyên trách nào để đánh giá, phản biện các đề xuất đó của phía tư vấn nước ngoài. Nên nhớ là, các Nhóm tư vấn nước ngoài này không hề độc lập mà chỉ là một mắt xích trong “binh pháp ODA” của các nước phát triển hơn ta.
- Các nhà khoa học Việt Nam chỉ được biết về chúng sau khi người ta đem ra “lấy ý kiến” và “xin phê duyệt”. Những người có lương tâm phải phản biện trong tình trạng cô đơn và chạy theo đuôi tình thế.
- Kết quả tất yếu:
Những khoản “béo bở” nhất của đại dự án thì thuộc về nước ngoài. Người Việt Nam, do ràng buộc của tài chính, kỹ thuật và điều khoản hợp đồng ODA, chỉ có thể làm thuê bên lề. Trong một “thế trận” như vậy, cả một khoản đầu tư khổng lồ được tung ra, nhưng không trở thành động lực vật chất, không trở thành cơ hội cho sự phát triển của các công ty, viện nghiên cứu của Việt Nam.
Việt Nam sẽ có những công trình “to” và “đẹp mắt”. Con số GDP cũng tròn trịa hơn trong các báo cáo cuối năm. Nhưng, miếng cơm manh áo của thế hệ sau thì bị khoét đi vì nợ nần.
6. Phải chăng điều đó thể hiện giấc mơ Việt? (Sau bao nhiêu năm chúng ta thua kém, nay cần phải vươn lên).
Dân tộc Việt Nam chỉ có thể trở thành một dân tộc hiện đại bằng những con người hiện đại của chính nó. Con người này không phải là cái có sẵn, mà phải được tạo ra trong quá trình hiện thực hóa những “tư duy lớn”. Không thể trở thành “hiện đại” nhờ vào những “đồ vật” có được bằng tiền vay và trí tuệ của kẻ khác.
7. Gót chân Achille của những giấc mơ này là gì?
Là cấu trúc của tiến trình ra quyết định.
Lãnh đạo Chính phủ hiện nay không sở hữu trong tay một Nhóm Tư duy chiến lược chuyên nghiệp (think tank) nào. Trong các Bộ trung ương cũng không có các cơ quan hoạch định chiến lược chuyên nghiệp, tập hợp những tài năng thực sự và được đãi ngộ xứng đáng. Các cán bộ ở các Bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc một lúc và không được đãi ngộ để thoát khỏi nỗi lo cơm áo. Họ gần như bỏ rơi quản lý chiến lược, sa vào quản lý các dự án cụ thể. Khi họ viết nghiên cứu chiến lược thì hầu như chỉ biết đến Bộ mình mà không thảo luận với chuyên gia ở các Bộ, Ngành liên quan, không tham khảo ý kiến các Viện nghiên cứu, các trường đại học.
Mặt khác, khi tư duy chiến lược, không thể không tham khảo ý kiến các Nhóm xã hội liên quan, đặc biệt là các Hội nghề nghiệp của xã hội dân sự. Nhưng ở nước ta, các Nhóm xã hội này đang gặp vấn đề. Hoặc là bị nước ngoài thao túng như Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), hoặc không được cấu trúc một cách hợp lý như Hiệp hội lương thực (VFA), hoặc còn chưa trưởng thành để có tiếng nói với chính sách như Hội Nông dân... Và hơn hết, các Hội này, chẳng hạn Hội nông dân và Hội lương thực, không có cơ chế nào để đối thoại với nhau mỗi khi xung đột lợi ích. Mạnh được, yếu thua.
Bên cạnh đó, khi mỗi “chiến lược” được viết xong, không có bất kỳ một think tank(s) nào được đặt hàng thẩm định, phản biện. Đơn giản chỉ vì chúng ta không có một think tank nào để làm việc đó.
Như vậy, Việt Nam đã “vỡ trận”. Hầu hết những quyết sách có “tầm nhìn thế kỷ” đều do tư vấn nước ngoài thực hiện, đề xuất. Hậu quả của điều này thì như trên đã nói.
Như vậy, chúng ta cần sắp xếp lại giang sơn. Việc này, nếu không phải là những nhà lãnh đạo đứng trên “những đỉnh cao chỉ huy” (hay là “những cao điểm chiến lược”) của đất nước, với đầy đủ quyền lực trong tay, thì không ai làm được.
8. Nước Nhật đang được coi là mẫu hình của sự bứt phá thành công, và đang được các lãnh đạo, học giả, sinh viên… đưa làm mẫu hình trong mỗi cuộc bàn thảo. Phải chăng mà vì thế, ta quyết theo họ? Theo anh, mấu chốt để họ thành công và hình thành “tinh thần Nhật Bản” là gì?
Cuộc Canh tân của Nhật Bản cách đây khoảng một thế kỷ rưỡi, mở đầu không phải bằng “mở cửa” và “giao thương” như cuộc Đổi mới năm 1986 của Việt Nam, mà mở đầu bằng giáo dục và khai sáng tinh thần tự do – dân chủ, tinh thần luật pháp, tinh thần duy lý – khoa học, tinh thần công dân… tức những giá trị tinh thần của lịch sử hiện đại, cho toàn dân, trong đó có hệ thống công quyền.
Nếu cuộc Canh tân của Nhật năm 1868 chỉ đơn giản là “mở cửa” và “giao thương” thì kinh tế chỉ phát triển đến một mức nào đó rồi dừng lại, vì một dân tộc nếu còn cắm rễ trong những thiết chế xã hội và tư duy truyền thống, không thể xây dựng được một nền văn minh hiện đại đích thực. Đây là bài học lớn nhất cho Việt Nam hôm nay.
Hơn thế nữa, ngày nay, những điều chúng ta phải làm khó khăn hơn Nhật Bản thời Duy tân Minh trị rất nhiều lần. Nhật canh tân trong thời đại xe lửa chạy bằng than, trước mắt chúng ta hôm nay thời đại của đường sắt siêu tốc, thời đại của những con chip điện tử, thời đại mà sự phát triển đích thực của nền kinh tế của Việt Nam lệ thuộc trực tiếp vào năng lực sáng tạo của con người Việt Nam.
Để hội nhập vào thời đại kỳ diệu này, chúng ta cần được khai sáng không chỉ những giá trị phổ quát của nhân loại hiện đại như Nhật Bản đã làm hơn một thế kỷ trước, mà còn khai sáng tư duy và tinh thần sáng tạo, khai sáng tinh thần “người công dân toàn cầu” – không phải là vong bản để trở thành “thế giới” mà là khát khao xây dựng danh dự cho dân tộc mình thông qua cống hiến những sáng tạo cho sự phát triển của nhân loại chung.
Nhưng vấn đề không chỉ là tinh thần. Một hiện tượng tinh thần nào đó chỉ phát huy được trong một cấu trúc xã hội tương tích.
VAI TRÒ PHẢN BIỆN CỦA BÁO CHÍ
9. Ở Nhật, vai trò của xã hội dân sự thế nào, trước các quyết sách của Chính phủ?
Ở Nhật, xã hội dân sự đã phát triển đến độ “hoàn hảo”. Xã hội dân sự của Nhật Bản không chỉ “phản biện” cách chính sách của chính phủ, mà còn hơn thế nữa, hoạch định các chính sách rồi nói với hệ thống nhà nước: Hãy làm đi.
Các quyết sách lớn, liên quan đến đại đa số nhân dân, hầu như không bị nhân dân phản ứng. Bởi quy trình hình thành chính sách khác hẳn chúng ta. Nói cường điệu một chút, Nhật Bản giờ đây là đất nước “Duy tuệ thị nghiệp” (chỉ lấy trí tuệ làm “nghiệp” của mình), theo cách nói Phật giáo.
Quá trình ra quyết sách của họ giống như một sự hỗn độn vì những cuộc thử thách trí tuệ. Bởi lẽ có nhiều Nhóm xã hội, nhiều chính trị gia quan trọng, những trí thức và các cơ sở nghiên cứu có ảnh hưởng lớn..., nói chung là, tất cả những ai cảm thấy mình có liên quan đến quyết sách, đều được quyền tham gia vào. Không ai bị loại bỏ tiếng nói vì bất cứ lý do gì. Tình trạng này thì rất khác với sự dễ dàng khi tiến hành một quyết định theo lề thói quan liêu trong một xã hội chưa trưởng thành.
10. Tiếng nói của báo chí được lắng nghe thế nào?
Quan chức Nhật Bản, mỗi khi bị báo chí vạch trần cái sai, thì việc xin lỗi nhân dân và từ chức là hiển nhiên. Vì vậy, nhiều quan chức đã thú nhận và xin từ chức trước khi bài báo phanh phui cái xấu của mình được xuất bản, để được dân khen là “trung thực” (tự thú trước khi bị phanh phui).
11. Anh có biết, báo chí Nhật có giám sát được các lợi ích nhóm trong mỗi quyết sách quốc gia?
Giám sát các nhóm lợi ích là việc của Chính phủ, của các cơ sở nghiên cứu chính sách, của chính các… nhóm lợi ích liên quan, và của báo chí. Nếu chỉ có một mình báo chí, có lẽ báo chí cũng bất lực.
Chính phủ Nhật trị các nhóm lợi ích không chỉ bằng chiến lược thuế mà còn bằng đấu pháp “cân bằng lợi ích nhóm”. Các nhóm lợi ích xung đột quyền lợi hoặc có quan hệ về quyền lợi, phải đối thoại với nhau trên tinh thần luật pháp và duy lý theo nguyên tắc “tất cả cùng thắng”. Không nhóm nào, dù “lực” mạnh đến mấy, có đủ “thế” để thao túng Nhà nước, làm hại lợi ích của các nhóm khác.
Để làm được điều này, Nhật Bản có một lực lượng nghiên cứu chiến lược và chính sách chuyên nghiệp, phát triển đến mức đã thành một giai tầng xã hội riêng.
12. Điều mà anh thấy thú vị ở nền báo chí Nhật Bản, là gì?
Báo chí Nhật góp phần giúp ta hiểu thế nào là triết học “Vô vi” của Lão Tử. Nhà báo phương Tây rất thích thể hiện cái Tôi trí tuệ và sắc sảo của mình. Đọc báo của Tây, cảm thấy như bị thách thức về mặt trí tuệ. Nhà báo Việt Nam thích thể hiện một trái tim “nồng nàn” và “cháy bỏng”. Đọc báo Việt Nam, thấy… thương đất nước mình hơn.
Nhà báo Nhật Bản thường trình bày sự vật như nó là thế mà không kèm theo bất kỳ yếu tố chủ quan nào của riêng mình. Đọc báo Nhật, thấy mình được cấp thêm một góc nhìn mà vẫn “tự do” với chính góc nhìn đó. “Tự do”, nhưng thực chất, độc giả sẽ thấm góc nhìn đó một cách tự nhiên. Đó là “làm” mà như “không làm”, và ngược lại, “không làm” mà lại rất “làm” vậy. So sánh với cách tuyên truyền có phần thô thiển ở những nền báo chí quan liêu thì cách “tuyên truyền” của Nhật vượt xa về đẳng cấp.
Cả hai phong cách báo chí trái ngược trên (triển khai tối đa sự sắc sảo của người viết và triệt tiêu tối đa các yếu tố chủ quan), đều có thể đạt tới những kết quả, hiệu quả đặc biệt. Những nền báo chí như vậy là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có những triết lý giáo dục độc đáo. Những quốc gia mà nền giáo dục... không có triết lý nào cả thì rất dễ tạo sinh những con người quan liêu, tạo ra và vận hành một nền báo chí quan phương.
Viet-studies 19-6-10
No comments:
Post a Comment