27 Nov 2008

Cư dân lưu vực sông Mêkông khốn đốn vì đập thủy điện trên thượng nguồn

Trong những năm gần đây, cư dân vùng lưu vực sông Mêkông liên tiếp phải gánh chịu những trận lũ lụt dữ dội khác thường, trong lúc nguồn cá nuôi sống họ lại có dấu hiệu càng lúc càng ít đi. Nhiều tiếng nói từ Thái Lan, Lào, Cambốt hay Việt Nam đã vang lên tố cáo các con đập thuỷ điện đang mọc lên ngày càng nhiều ở thượng nguồn Trung Quốc, thậm chí ở hạ nguồn bên Lào, là nguyên nhân đẩy dân chúng trong khu vực vào tình cảnh khó khăn.


Thực tế đầu tiên tại vùng lưu vực sông Mekong là trong khoảng hai thập niên gần đây, các đập thủy điện đã được xây dựng càng lúc càng nhiều trên dòng chính cũng như trên các phụ lưu của con sông. Nguyên nhân là vì các chính phủ trong vùng muốn tận dụng điều kiện thiên nhiên thuận lợi để đẩy mạnh việc sản xuất điện năng phục vụ cho đà phát triển kinh tế nhanh chóng của các nước.
Nếu chỉ tính đến các đập thủy điện quan trọng, trên dòng chính của sông Mekông, chạy từ miền Vân Nam Trung Quốc xuống tới Cambốt, hiện đã có khoảng 20 con đập đã đi vào hoạt động hay đang trong quá trình xây dựng.

Trung Quốc đi đầu trong việc "ngăn sông

Đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc

Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Thái Lan TERRA/FER, tập hợp nhiều hiệp hội bảo vệ môi trường và sinh thái trong khu vực, thì Trung Quốc là nước năng động nhất trong việc xây đập. Trên đoạn sông Mekong mang tên là tiếng Hoa là Lan Thương, Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào hoạt động ba đập thủy điện lơn là Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng.

Đập Mạn Loan ở Trung Quốc

Ngoài ra hai đập nước khác là Tiểu loan và Nọa Trát Độ đang được hoàn tháng. Trong kế họach của Trung Quốc còn có thêm ba côn đập khác nữa. Đó là chưa kể đến một loạt đập thủy điện nằm trên các phụ lưu sông Mêkong ở vùng Vân Nam. Ở vùng phiá dưới, Lào là nước rất chuộng các công trình thuỷ điện, với 9 đập nước trên dòng chính sông Mekong đang được xây dựng, không kể đến một số đập trên các con sông khác đã đi vào hoạt động.

Đối với các chính phủ, cũng như các định chế tài chánh như Ngân Hàng Thế Giới hay Ngân Hàng Phát Triển Châu Á đã giúp đỡ các chính quyền sở tại thực hiện các công trình xây đập thủy điện, đó là những công trình hữu ích. Thế nhưng, biết bao tổ chức bảo vệ môi trường, thậm chí nhiều chính phủ thuộc những nơi nằm phiá dưới các đập nước trong thời gian qua đã bắt đầu lên tiếng báo động về tác hại của việc ngăn sông đối với đời sống cư dân vùng lưu vực con sông.

Nguồn cá đánh bắt giảm sụt đáng kể

Một trong những chỉ trích đầu tiên là các đập thủy điện đã làm cho nguồn cá bị cạn kiệt. Đây là mối lo ngại chủ yếu của Việt Nam nước ở cuối dòng sông. Theo ghi nhận của hãng tin IPS trong một bài viết đăng ngày 21 tháng 11 vừa qua, thì mới đây, trong một cử chỉ hiếm hoi, giới chức chính quyền Việt Nam đã công khai lên tiếng chỉ trích tác hại của việc xây dựng ngày càng nhiều đập thủy điện trên sông Mêkông.




Trên báo chí Việt Nam, vào cuối tháng 9/2008, phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia sông Mêkông Việt Nam, ông Đào Trọng Tứ, trong một cuộc họp quốc tế, đã cho rằng việc phát triển đập thủy điện trên sông Mêkong và các phụ lưu sẽ có ảnh hưởng không tốt đối với những nước như Việt Nam. Tại buổi họp ở Vientiane, do Ủy ban Sông Mêkông tổ chức để tham khảo ý kiến về thủy điện trong vùng, ông Nguyễn Văn Trọng, phó giám đốc viện Nghiên cứu Nông Nghiệp Việt Nam, đã nêu lên con số 20 triệu nguời ở Đông bằng sông Cưủ Long, sinh sống nhờ nghề cá xuất khẩu và nguồn nước để trồng trọt, có thể chiụ hậu quả tai hại do việc xây dựng đập ở vùng thượng nguồn của dòng sông.

Việt Nam đã bắt đầu thay đổi thái độ, trong lúc mà chính Việt Nam cũng đã góp phần vào việc xây dựng các đập ở vùng hạ nguồn sông Mê kông và phụ lưu. Các công ty Việt Nam đã tham gia nhiều công trình xây dựng đập nước và cũng đang dự trù một số công trình khác trong thời gian sắp tới.

Theo bài báo của hãng IPS, ngư dân tỉnh Cần Thơ cho biết lượng cá họ bắt được đã giảm đáng kể trong vài năm qua. Nguyên nhân là các đập nước xây dựng tại khu vực bên trên đã ngăn không cho cá xuống đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.



Nếu trước đây ngư dân đồng bằng dễ dàng đánh bắt được hàng tấn cá thuộc loại như cá tra, cá ba sa..., bán những con cá mẹ tốt cho các trại nuôi cá để gây giống và nuôi cá xuất khẩu, bây giờ, các loại cá mẹ tốt rất khó tìm thấy trong các con sông phía Viêt Nam, nhiều người đã phải đi ngược lên tận Biển Hồ, ở Cambốt để đánh bắt. Thế nhưng, tình hình Biển Hồ cũng không khả quan hơn. Ngư dân Cambốt không những than phiền về lượng cá đánh bắt ít hơn, mà chất lượng cá cũng đã thay đổi : ngày càng nhỏ hơn, không tốt như trước...

Nhưng điều làm cho người Việt Nam lo ngại hơn, chính là tác hại của các đập nước bên trên, giữ phù sa màu mỡ lại, không cho chảy xuống bên dưới. Theo một chuyên gia thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cần Thơ, hồ chứa trong các đập thủy điện không chỉ giữ lại nước, mà còn lưu trữ một phần không ít lượng phù sa mang nhiều chất chinh dưỡng, mà trước đây đưọc dòng sông chuyển xuống các vùng hạ nguồn. Hậu quả là đất kém màu mỡ hơn, khiến nông dân ngày càng phải sử dụng đến phân bón hóa học để canh tác. Mà loại phân này lại là tác nhân gây ô nhiễm đất đai.

Lũ lụt nghiêm trọng và thường xuyên hơn

Không chỉ có cá hiếm đi, phù sa ít đi, mà lũ lụt trong những năm gần đây xẩy ra nghiêm trọng hơn ở các nước như Việt Nam, Cambốt , Thái Lan hoặc Lào. Rất nhiều tiếng nói đã vang lên tố cáo các đập nước khổng lồ đã bắt đầu hoạt động của Trung Quốc ở trên Thượng nguồn sông Mêkong.

Theo tờ báo Irrawady của người Miến Điện tại Thái Lan số ra ngày 14/11/2008, nhân một diễn đàn tổ chức trong hai ngày trước đó tại trường Đại Học nổi tiếng Chulalongkorn ở thủ đô Thái Lan, nhiều người đã lên tiếng tố cáo chính quyền Trung Quốc là vào tháng năm 2008 đã đột ngột xả hàng tỷ tấn nước từ ba con đập thủy điện Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng ở thượng nguồn sông Mekong. Trung Quốc lúc đó muốn bảo vệ cho ba con đập khỏi bị phá hủy do các dư chấn từ trận động đất Tứ Xuyên. Thế nhưng hậu quả là hàng ngàn ngôi nhà, đồng ruộng, sức vật của cư dân các vùng ở phiá dưới con đập đã bị tổn hại.

Đất lở tại Thái Lan

Cùng ngày 14/11, nhật báo Thái Lan The Bangkok Post cũng trích lời một hiệu trưởng trường học vùng Chiang Khong, tỉnh Chieng Rai ở miền Bắc Thái Lan, tố cáo Trung Quốc đã gây ra trận lụt nặng nề nhất trong vùng của ông từ 40 năm qua. Theo lời vị hiệu trưởng này thì ít nhất ba huyện ở tình này vẫn đang khốn đốn sau thiệt hại khoảng 2,4 triệu đô la do lũ lụt.

Nhìn chung, có khoảng 60 triệu cư dân sinh sống dọc theo dòng Mê kông, dài 4.800 cây số. Tất cả đều dựa vào con sông, vừa là nguồn lương thực, nguồn nước sinh hoạt thường nhật, vừa là kế sinh nhai chủ yếu, vừa là đường giao thông... Do đó, mọi công trình ảnh hưởng đến con sông đều có hậu quả rất lớn.

Đập thủy điện có nguy cơ mọc lên rất nhiều ở hạ nguồn

Để bảo vệ công cuộc phát triển bền vững trong việc khai thác con sông, 4 quốc gia vùng hạ nguồn : Cambốt, Lào, Thái lan và Việt Nam đã thành lâp Ủy ban Sông Mêkong. Vấn đề là 2 nước trên thượng nguồn là Trung Quốc và Miến Điện không thuộc Ủy Ban này, chỉ là quan sát viên mà thôi.

Vấn đề đang đặt ra là 4 quốc gia thuộc Ủy Ban sông Mêkông, trước mức tiêu thụ nhiên liệu gia tăng, đang khởi động lại một số đề án xây dựng đập thủy điện ở hạ nguồn. Hiện nay thì người ta nói đến 80 đề án ở vùng hạ lưu này, nhưng nhắc nhiều đến 8 con đập quan trọng, 5 ở Lào, 2 ở Thái Lan và 1 ở Cambốt.

Đập gây tranh cãi nhiều nhất là đập Don Sahong, sẽ được xây dựng trên dòng chính con sông Mekong ở khu vực thác Khone tại Lào Lào. Tại đây sông Mekong là một tập hợp các nhánh hẹp trước khi vào đất Cambốt. Tháng 02/2008, Lào đã ký thoả thuận với một tập đoàn Malaysia, cho đề án xây đập Don Sahong.

Đập được xây sẽ ngăn chặn nhánh sâu nhất ở khúc sông này, do đó vào mùa khô, nhất là thời điểm tháng 4 tháng 5 khi mực sông ở mức thấp nhất, thì cá khó mà vượt qua để xuống phiá vùng phiá dưới.
Hậu quả, theo các chuyên gia, là nó sẽ làm cho cá không còn di chuyển từ vùng sinh sản ở Lào và Thái lan xuống Biển Hồ tại Cambốt.

Trong khi đó thì Phnom Penh cũng đang có đề án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông ở tỉnh Kratie. Một tập đoàn Trung quốc đang xem xét tính khả thi.

Riêng Việt Nam, ngoài những đề án xây dựng đập thủy điện trên những con sông của mình, cũng đã tham gia xây đập ở Lào và Cambốt. Ở Lào là Xekamen 1 và xekamen 3, trên sông Sekamen, một phụ lưu sông Mekong, Việt Nam đồng thời cũng tham gia một đề án khác gần Luang Prabang, một đập thuỷ điện 1.410 megawatt.

Những con đập ở vùng hạ lưụ sông Mêkông cũng bị giới chuyên gia, và bảo vệ môi trường chỉ trích mạnh mẽ vì những tác hại tiềm tàng, mà tổ chức phi chính phủ Mỹ, International Rivers Network cũng đã nêu bật trong một báo cáo gần đây.




Theo các chuyên gia Việt nam, cho đến giờ thì họ đã thất bại trong việc chống lại các đập thủy điện Trung Quốc, vì nước này không phải là thành viên của Ủy ban sông Mekông, những với những đề án to lớn dự kiến xây trên dòng chính sông Mêkông, thì Ủy ban Việt Nam có thể dóng chuông báo động về những hậu quả tai hại của những công trình thủy điện trên sông. Theo chuyên gia tỉnh Cần Thơ được IPS trích dẫn : ''Quá nhiều đập lớn xây trên sông Mekong sẽ tàn phá ngành ngư nghiệp và nông nghiệp của chúng tôi.''

Tuy nhiên không ai tin tưởng là sẽ ngăn chặn được số đập thủy điện mọc lên ngày càng nhiều trên sông Mêkông. Cho nên đề nghị có tính khả thi nhất hiện nay là chính quyền các nước nên trợ giúp mạnh mẽ hơn nữa cho cư dân, tạo điều kiện để họ tìm những kế sinh nhai khác thay vì chỉ dựa vào nghề cá hay canh nông.

23 Nov 2008

Ta cần biết ta hơn nữa - Tran Huu Dung

Đã là một sự thật không thể chối cãi, một sự thật thần kỳ, một sự thật cả thế giới đều nhìn nhận: năm 2006 là năm “đến” của kinh tế nước ta. Tuy rằng về nhiều chỉ số phát triển và an sinh, Việt Nam vẫn còn là một nước lạc hậu, nhưng về đà tiến của chúng ta, xung lực của chúng ta, sự năng động của chúng ta thì Việt Nam quả là “top ten” (nói vậy là còn… khiêm nhường!)… Trước một tương lai đầy hứa hẹn mà cũng nhiều thử thách, nhà kinh tế thấy chúng ta cần chuẩn bị để ra luật lệ, lập chính sách, đối phó với mọi tình huống, lấp những lỗ hổng trong cơ cấu... Anh ta muốn hình dung khuôn mặt đất nước trong 10-20 năm sắp đến, và xa hơn nếu có thể. Nhà kinh tế nhìn lại các tài liệu, sách báo, báo cáo, phúc trình trong nước mà anh ta đã đọc nhiều năm qua, anh ta lên web, vào thư viện nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới. Và anh ta bỗng “ngộ” ra một điều: Ta cần biết ta hơn nữa!





I. Nhu cầu thông tin và phân tích



“Biết”: chúng ta cần mọi loại thông tin, thống kê, kịp thời và chính xác, nhưng “biết” còn có nghĩa là những thông tin ấy phải được sắp xếp, phân tích một cách khoa học, đưa vào luật pháp, chính sách, dự báo, cho từng khu vực, từng ngành nghề, cho cả nước, trong tương lai gần lẫn xa. Để phát triển và bảo vệ quyền lợi đất nước, ta cần phải “biết” như thế, càng rõ, càng nhiều, càng đúng, càng tốt.



● Để có những chính sách hữu hiệu để ổn định và phát triển



Cần nhấn mạnh: chúng ta đã có những chính sách tương đối thành công, song với mức phát triển ngày càng cao, cơ cấu kinh tế xã hội ngày càng phức tạp, nhu cầu phân tích từ vi mô đến vĩ mô chỉ có thể mô tả là “phi mã”! Thông tin và phân tích không chỉ là thiết yếu cho những người làm chính sách trong khu vực công, mà còn cho các nhà quản lý, kinh doanh, xuất nhập khẩu, các ngân hàng, thậm chí các hiệp hội doanh nhân, lao động…



Nhìn lướt qua báo chí, hầu như không ngày nào là không thấy vài vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến hàng triệu người, nhiều mảng công nghiệp, dịch vụ quan trọng, “kêu gào” phân tích, khảo sát, nghiên cứu: thuế thu nhập cá nhân, giá điện, ảnh hưởng của thuế giày do EU áp đặt, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư… Rõ ràng, mỗi chính sách kinh tế, tài chính, xã hội, đòi hỏi xác định sự liên hệ giữa nhiều yếu tố khác nhau, và mỗi con số trong từng quy chế, điều luật, phải được tính toán theo phương pháp khoa học hiện đại nhất, trong những giả định thích hợp với đặc thù của nước ta.



Là người dân, ai cũng hi vọng (cầu mong?) rằng các bộ, các cơ quan nhà nước (kể cả quốc hội) đã nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa ra những chính sách, luật lệ, song lắm lúc (nhất là khi nghe phát biểu hơi “trái tai” của vài quan chức) không khỏi băn khoăn: chất lượng những phân tích này đến đâu? Các chuyên gia đã dùng mô hình, lý thuyết nào? (Chẳng hạn, Luật Cạnh tranh cần xây dựng trên lý thuyết về cách thức cạnh tranh, mà hiện nay giới học thuật vẫn chưa nhất trí, vậy thì các chuyên gia đã dùng mô hình nào để tính cái gọi là “thị phần khống chế”?) Căn cứ trên những giả định nào? Dù biết rằng kinh tế học không phải là chính xác đến độ cho phép tiên đoán tất cả mọi việc, song đàng sau mỗi dự luật, mỗi chính sách, phải là những cố gắng tột bậc để tính toán đến chừng mực mà kinh tế học hiện đại cho phép, từ các giả định minh bạch, với những thông tin chính xác nhất. Không thể bốc những con số ra “từ không khí” (như người Mỹ hay nói), căn cứ vào các giả định ẩn mà có khi chính người phân tích cũng không ý thức.



Nghi vấn về kiến thức kinh tế ở Việt Nam không chỉ liên hệ đến các bài toán nổi cộm như ví dụ ở trên. Đôi khi nó còn là ấn tượng đọng lại sau những tranh cãi vòng vo xung quanh vài vấn đề (như “giáo dục có phải là hàng hoá?”) đã được các học giả khắp thế giới mổ xẻ mọi khía cạnh từ hàng mấy chục năm, song dường như một số người tham dự tranh luận trong nước vẫn tưởng là mới lạ, đưa ra những lập luận, ý kiến mà giới học thuật tiên tiến đã vượt qua từ lâu. Đàng khác, có những chủ đề đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới học thuật và quản lý toàn cầu, ví dụ vấn đề “văn hoá doanh nghiệp”, mà kinh nghiệm của Việt Nam (kinh tế chuyển tiếp từ kế hoạch sang thị trường trong bối cảnh văn hóa nho giáo) có thể có những đóng góp nhất định thì lại ít được học giả trong nước nghĩ đến để điều tra, nghiên cứu.



● Cần biết ta khi thương lượng với nước khác



“Ta cần biết ta” để ổn định và phát triển kinh tế tự thân, như trên đã nói, đã là vô cùng cần thiết, song bức xúc hơn nữa trong thời đại “hội nhập” ngày nay là nhu cầu biết ta (và biết người) khi thương thuyết với thế giới.



Khi đối diện với nước khác trong đàm phán thì lượng thông tin và khả năng phân tích là quan trọng ở hai khâu. Thứ nhất, ta phải hiểu tận tường vấn đề trên bàn nghị sự, kể cả liên hệ giữa nó và những vấn đề khác không nằm trên bàn ấy. Thứ hai, ta phải nắm vững đặc tính kinh tế của ta và của (những) quốc gia đối diện. Thật là nguy nếu chẳng những ta không biết rõ đối tác, mà còn không biết ta rõ bằng đối tác biết ta! Không thể nghi ngờ: sự chênh lệch kiến thức và thông tin (mà ta ở vào phía kém) chắc chắn sẽ gây nhiều thiệt thòi (mà, khổ thay, lắm khi ta cũng không biết!) trong các thương lượng quốc tế.



Thực vậy, sự thiếu thốn chuyên gia về kinh tế (và về luật quốc tế) có thể là yếu tố quyết định lợi thế giữa các quốc gia quanh bàn đàm phán. Có người (như nhà kinh tế nổi tiếng Jagdish Bhagwati, nguyên cố vấn cho Tổng thư ký WTO) khẳng định rằng vài nước (ông có nêu tên, nhưng người viết bài này không dám lặp lại vì hơi … nhạy cảm!) đã gia nhập WTO khá dễ dàng chỉ vì họ hạ bút ưng thuận soàn soạt mọi điều kiện mà đối tác đặt ra, bởi lẽ muốn “cãi lại” cũng không đủ chuyên viên đọc (và hiểu!) tất cả văn kiện cần ký kết, nói chi đến phân tích sự lợi hại của từng điều khoản!



Gần đây, nhiều người đã nhận thấy nhu cầu nghiên cứu thêm vì quyền lợi các quốc gia đang phát triển (để phát triển chính các nước ấy, dù có phản lại quyền lợi các nước đã phát triển). Trong một cuốn sách vừa xuất bản, Joseph Stiglitz (viết chung với Andrew Charlton), người lãnh Nobel kinh tế khá quen thuộc với Việt Nam, đề nghị rằng chính WTO phải đảm nhiệm những nghiên cứu loại này nếu thực tâm muốn tiến đến một nền thương mại toàn cầu thật sự công bằng như tôn chỉ của tổ chức ấy.





II. Phát biểu và nghiên cứu



Đáng mừng là trong vài năm gần đây, hầu hết các phương tiện truyền thông trong nước đều tăng cường mục kinh tế, góp phần nâng cao kiến thức của người dân chẳng những xung quanh vài vấn đề sôi nổi cả nước (như việc gia nhập WTO, vụ cá ba sa) mà còn về nhiều vấn đề khác nữa. Nhiều kinh tế gia Việt Nam (trong lẫn ngoài chính phủ) được phỏng vấn thường xuyên, và viết nhiều bài bình luận xây dựng, chuẩn mực. Tuy nhiên, những bài phỏng vấn và ý kiến đóng góp trên các phương tiện thông tin đại chúng, dù có lợi ích và đáng hoan nghênh, không thể thay thế những phân tích kỹ thuật, cặn kẽ, để tính toán những con số chính xác mà nhiều điều luật, chính sách, phải có.



Phân tích kinh tế có thể được chia làm ba tầng. Tầng cơ bản là những phân tích kỹ thuật cực độ, dành cho chuyên gia, đăng trong các tạp chí chuyên môn, hoặc những báo cáo của các viện nghiên cứu, các trường đại học. Tầng kế đó là các sách giáo khoa, sách tham khảo cho sinh viên, nhất là ở cấp cao học, tiến sĩ. Tuy những giáo trình này cũng nặng tính kỹ thuật, hàn lâm (như các nghiên cứu cơ bản) không ai kỳ vọng ở chúng những phát giác mới. Bản chất của giáo trình là tổng kết và hệ thống hóa kiến thức thu thập từ các nghiên cứu cơ bản và đã qua kiểm nghiệm. Tầng thứ ba là những tài liệu có tính chính sách (công lẫn tư), ứng dụng hơn là lý thuyết. Tuy nhiên, mỗi tầng, muốn vững chắc, phải được xây dựng trên tầng dưới nó. Đặc biệt, mọi phát biểu dù chỉ có tính phổ thông, cho công chúng, đều cần dựa vào những nghiên cứu cơ bản. Quan trọng hơn, những tính toán cụ thể cho chính sách, luật lệ, phải nhất quán với (và tận dụng) những nghiên cứu cơ bản, nếu không thì những chính sách và luật lệ ấy chỉ là ngẫu hứng, tùy tiện, thậm chí phản hiệu quả và mâu thuẫn.



Phải nhìn nhận rằng làm nhà kinh tế Việt Nam lúc này không phải dễ. Không ai thực sự “yêu nghề” mà không muốn làm những nghiên cứu thâm sâu. Song những nghiên cứu như thế rất tốn thời giờ, công của, và nhiều phụ trợ khác. Đối trọng với ước muốn ấy là thiên chức “trí thức công” (public intellectual) mà xã hội mong mỏi ở nhà kinh tế: đóng góp ý kiến về những vấn đề đương thời, nhiều khi không hoàn toàn trong chuyên môn của họ. Sự giằng co này không phải mới, và không chỉ ở nước ta. Ở các quốc gia tiền tiến, vai trò “trí thức công” thường gây nhiều tranh luận, và tùy vào truyền thống trí thức của xã hội liên hệ. Ở nước ta, khi mà dân trí còn chưa cao thì trách nhiệm của trí thức nói chung là còn nặng nề, bị nhiều giằng xé hơn nữa.



Các chuyên gia (nhất là thuộc những ngành trực tiếp liên hệ đến chính sách) trong một nước mà trí thức tương đối còn hiếm, sẽ là “chỗ đặt” của nhiều (lắm khi quá nhiều!) kỳ vọng xã hội, và do đó phải vô cùng cẩn trọng khi phát biểu. Đàng khác, một nhà khoa học – nhất là khoa học xã hội như kinh tế – không thể chỉ phát biểu cho công chúng mà còn phải thật sự “sống” trong chuyên môn của mình để tránh tụt hậu trong kiến thức, xơ cứng trong lập luận, lão hoá trong tư duy. Người ấy phải luôn cập nhật kỹ năng, và làm gương cho các bạn trẻ trong sinh hoạt và tác phong nghề nghiệp. Tìm một vị trí tối ưu giữa tháp ngà hàn lâm và thực tế đời sống là một thách thức không nhỏ.





III. Công khai, độc lập, và đa dạng



Nếu nhìn nhận là chúng ta cần nhiều nghiên cứu dầy chiều sâu, chuẩn mực lý thuyết, cực độ kỹ thuật, thì câu hỏi kế tiếp sẽ là: cơ chế nào có thể phát huy những nghiên cứu như vậy?



● Công khai



Hiển nhiên, người làm chính sách luôn luôn cần những phân tích, phúc trình nội bộ (có thể là “mật”) từ các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu, v.v. Mặt khác, như mọi ngành khoa học, kinh tế học chỉ có thể tiến triển trong tinh thần trao đổi xây dựng, khách quan. Do đó, để bảo đảm chất lượng các phân tích làm nền tảng cho chính sách, luật lệ, cần nghĩ đến việc “bạch hoá” chúng (trong chừng mực an ninh quốc gia cho phép).



Trao đổi công khai những phân tích về các vấn đề hệ trọng giữa chuyên gia nhà nước và ngoài chính phủ sẽ có lợi cho cả hai bên. Một mặt, cộng đồng khoa học có thể đánh giá lập luận, phương pháp tính toán của các chuyên gia nhà nước. Mặt khác, các chuyên gia nhà nước cũng cần lấy cảm hứng và tìm tham khảo từ những nghiên cứu phát xuất từ các đại học, các viện nghiên cứu độc lập, các nhà kinh tế ngoài hệ thống công quyền. Không ai có thể biết tất cả, nghĩ ra mọi tình huống, kịch bản, nhất là khi hầu hết lãnh vực học thuật đều không ngừng chuyên biệt hoá, tình hình thế giới ngày càng phức tạp, như ngày nay.



Tiến trình trao đổi giữa các chuyên viên trong và ngoài chính phủ cũng đóng góp vào bầu không khí dân chủ, gây hưng phấn cho xã hội nói chung và giới học thuật nói riêng.



● Độc lập



Khối lượng nghiên cứu thật sự khách quan phải đến từ nhiều nguồn, và gồm một số đáng kể công trình của những nhà nghiên cứu chọn lựa đề tài với chủ đích thuần tuý khoa học. Nói cách khác, ngoài những báo cáo, phúc trình từ các bộ, các viện, các ngân hàng, các tổ chức quốc tế, còn cần những nghiên cứu mà đề tài và mục đích không theo đơn “đặt hàng” của bất cứ ai và không chỉ nhằm cho việc sử dụng của tổ chức hoặc cơ quan nào đó.



Không bị chi phối bởi yêu cầu thực dụng tức thời, hoặc bức xúc của một giai đoạn chính trị nhất định, những nhà nghiên cứu hoàn toàn độc lập mới có thể đào sâu các vấn đề thật căn bản, so sánh những cách đổi mới thể chế, phát hiện những kịch bản tiến hoá của đất nước. Chỉ cần ngẫm nghĩ ít lâu là có thể kê ra hàng trăm đề tài như thế.



Tất nhiên, để tự do trong chọn lựa đề tài và phương pháp, nhà nghiên cứu không thể lệ thuộc vào sự tài trợ của nhà nước hoặc doanh nghiệp. Nói cách khác, phải đa dạng hoá cơ chế xã hội khuyến khích những công trình nghiên cứu độc lập, chẳng hạn như dựa vào chất lượng và số lượng nghiên cứu để thăng thưởng, cho vào biên chế, v.v.



Nói cho cùng, nghiên cứu là thú vui tinh thần trước tiên cho nhà khoa học. Phần thưởng vô giá của khoa học là sự khám phá. Sẽ là ảo tưởng nếu nghĩ rằng có quốc gia nào “nuôi” các nhà khoa học để họ muốn làm gì thì làm. Nhà khoa học phải có can đảm không … xin tiền nhà nước. Mặt khác, trong một xã hội lành mạnh, văn minh, nhà khoa học có thể sinh nhai bằng những nghề gần gũi với nghiên cứu, như dạy học, viết sách, diễn thuyết… Và xã hội phải quan tâm để là như thế.



● Đa dạng



Kinh tế học có nhiều trường phái. Không kể đến sự khác nhau giữa kinh tế học Mác và kinh tế học gọi là “thị trường”, ngay trong kinh tế học thị trường cũng có nhiều chi phái mà “tân cổ điển” chỉ là một. Chúng ta cần nghe những tiếng nói khác nhau.



Hãy lấy làm ví dụ hai cụm đề tài cực kỳ quan trọng: (a) vai trò của nhà nước, và (b) chính sách kinh tế đối ngoại. Như ai cũng biết, ý kiến trong giới kinh tế có thể rải từ quan điểm cho rằng vai trò nhà nước càng nhỏ càng tốt, đến quan điểm cho rằng nhà nước phải là khống chế trong kinh tế, nếu không ở khâu sở hữu thì cũng ở khâu điều tiết, chỉ đạo. Phải tạo một không khí tranh luận lành mạnh, không giáo điều, không có “vùng cấm”, để những ý kiến này được đối chiếu, thẩm định. Về mặt kinh tế đối ngoại cũng thế: có nhiều trường phái rất khác nhau về chính sách bảo hộ, về sự nên-hay-không kiểm soát các luồng vốn nước ngoài, v.v.



Sự đa dạng ấy, với những lập luận lắm khi quyết liệt, song ở trình độ khoa học cao, chưa thấy có trong giới kinh tế Việt Nam (so sánh, trong khu vực, với giới kinh tế Hàn Quốc, chẳng hạn, đừng nói chi đến các nước mà sinh hoạt trong giới kinh tế rộn rịp hơn ta nhiều lần, như Ấn Độ, Trung Quốc…). Chính vì có nhiều tiếp cận, nhiều trường phái khác nhau, ta cần khuyến khích những “lò suy nghĩ” (think tank) vô vị lợi, ngoài chính phủ, và nhất là (theo kinh nghiệm nhiều nước) nghiên cứu trong các đại học. Đây là một vấn đề chỉ thực hiện được trong một môi trường nghiên cứu công khai (công trình được đăng trên các tạp chí kinh điển, các hội thảo chuyên môn, mở cửa cho mọi người).



Tất nhiên (ít ra là trong tương lai gần) chúng ta không thể đòi hỏi Việt Nam sản xuất những “siêu” kinh tế gia, mở đường cho cả một học thuyết như Karl Marx, Adam Smith, hoặc thậm chí những nhà kinh tế có ảnh hưởng quốc tế cỡ như Raul Prebisch, Amartya Sen. (Đàng khác, những vị ấy là chung của nhân loại, không cớ gì ta phải đòi có người mang quốc tịch Việt Nam!) Tuy nhiên, so với vài quốc gia trong vùng như Hàn Quốc, Ấn Độ, chúng ta cũng rất thiếu những phân tích vĩ mô sâu sắc, có tính nền tảng về kinh tế, xã hội, và vai trò của chính phủ. Nhưng, theo nhận xét của người viết bài này, có lẽ sự thiếu sót nổi bật nhất là những nghiên cứu vi mô trình độ cao, sử dụng những lý thuyết và kỹ thuật phân tích (kinh lượng học) hiện đại nhất.





IV. Ta phải làm lấy



Phải nhìn nhận rằng chúng ta đã nhận được nhiều giúp đỡ quý báu của các nhà kinh tế ngoại quốc (thường là với các cộng sự viên người Việt) do các nước bạn, các tổ chức quốc tế chủ xướng và tài trợ. Và chúng ta thực tình mong mỏi sẽ được họ nghiên cứu nhiều hơn nữa. Câu hỏi sẽ là: Tại sao chúng ta không “khoán” cho các nhà kinh tế nước ngoài (hay giao cho họ một phần lớn) việc nghiên cứu nước ta?



Câu hỏi này hầu như mọi nước nhỏ, kém phát triển, đều nghĩ đến. Hiển nhiên, kinh tế học là một khoa học, và phương pháp khoa học thì đâu cũng thế, không biên giới, không mang tính dân tộc chủ quan. Tuy nhiên trên thực tế nghiên cứu thì có hai vấn đề vẫn rất “chủ quan”, đó là (a) chọn lựa đề tài, và (b) mức quyết tâm tìm kiếm giải pháp đặc thù cho một quốc gia, vì lợi ích quốc gia ấy. Phần lớn những báo cáo, phúc trình của các chuyên gia nước ngoài chỉ ở mức “chung chung”, và nhằm đáp ứng “đơn đặt hàng” của các tổ chức quốc tế, hay của một nước khác (thường là nhằm mục đích tìm hiểu môi trường đầu tư cho họ, hoặc khả năng hấp thụ viện trợ của Việt Nam). Nhìn từ phía ta, chúng không phải luôn luôn là những vấn đề đầu “bảng bức xúc” của Việt Nam.



Một thực tế nữa là đa số các chuyên viên ngoại quốc đã nghiên cứu nhiều nước khác trước khi họ đến Việt Nam (nếu không thì họ lại quá thiếu kinh nghiệm về phát triển!), do đó không khỏi nhìn Việt Nam qua lăng kính kinh nghiệm mà họ có ở nước khác. Phần lớn kinh nghiệm này là rất quý, song những khuyến cáo của họ, trớ trêu thay, không tận dụng những tiềm năng đặc thù của nước ta. Họ cũng khó đề cập đến những mặt liên quan đến địa chính trị, hay địa kinh tế, có tính nhạy cảm trong bang giao quốc tế (có khi dính líu đến chính nước họ!).



Chúng ta chưa phát triển, song không giống nước chưa phát triển ở châu Phi, chẳng hạn. Chúng ta chuyển đổi, nhưng khác chuyển đổi ở Trung Quốc hoặc các nước Đông Âu. Chúng ta ở Đông Nam Á, nhưng không giống Thái Lan, Indonesia, Philippines, vv. Chúng ta khác họ về tiềm lực lẫn nhược điểm, và một phần (lớn?) tiềm lực và nhược điểm này có cội nguồn trong căn tính dân tộc, cơ cấu xã hội, và lịch sử của chúng ta. Người nước ngoài có thể thấy vài tiềm lực và nhược điểm mà chúng ta không thấy, song chúng ta cũng có thể thấy nhiều cái mà người nước ngoài không thấy, nhất là những tiềm lực xuất phát từ cái “hồn” của dân tộc. Nghe thì có vẻ lãng mạn, huyền bí, nhưng, nghĩ lại đi, trước ngày đổi mới, bao nhiêu nhà kinh tế nước ngoài đã tiên đoán sự thành tựu của chúng ta trong mấy chục năm qua, thậm chí tiên đoán là chúng ta có khả năng đổi mới?



Và, nên để ý, giáo trình kinh tế học mà những chuyên gia ngoại quốc đã tiếp thu ở các trường đại học của họ (mà đa số là thuộc hàng đầu trên thế giới, nên nhìn nhận như vậy) thường là nặng về tân cổ điển, xoay quanh cá nhân (thay vì tập thể), trọng điểm là thị trường (trong bối cảnh tây phương), mà nhược điểm là rất ít quan tâm đến các yếu tố thể chế, xã hội, và lịch sử. Song chính những yếu tố này lại có thể là quan trọng nhất để tìm hiểu và đề nghị giải pháp cho nước ta.



Nếu chúng ta cần đến các nhà kinh tế nước ngoài thì trước hết chúng ta nên biết cách đặt vấn đề để họ nghiên cứu, điều tra cho ta. “Đặt vấn đề” không có nghĩa “sần sùi” là “đặt hàng”, song là gợi cho họ những đề tài vừa lý thú cho họ vừa có ích cho ta. Ngoài những đề tài tổng quát (như tăng trưởng, lạm phát), hoặc những đề tài cần cho một chính sách cụ thể (như thuế má), còn có những đề tài mà chỉ những người tha thiết đến tương lai dân tộc (kể cả những đề tài liên quan đến cải cách thể chế) mới thực sự “bức xúc”. Tương tự, ngoài một số vấn đề ở cấp xí nghiệp có thể dùng những bài học rút ra trực tiếp từ các mô hình có sẵn (“off-the-shelf”) ở nước khác, còn có những vần đề trong từng khu vực kinh tế (công, nông nghiệp, dịch vụ, tài chính v.v) cần những nghiên cứu riêng cho Việt Nam.





V. Khả năng tiếp thụ của người làm chính sách và vai trò của báo chí



Dù có những nghiên cứu thâm sâu về Việt Nam cũng không bảo đảm là chính sách kinh tế của ta sẽ tốt hơn. “Chất lượng” tối hậu của chính sách là tuỳ thuộc vào các nhà lãnh đạo mà, cũng nên thông cảm với họ, dù có đánh giá cao các nghiên cứu kinh tế, cũng bị ràng buộc bởi những vấn đề khác, có những mục tiêu khác ngoài kinh tế, mà nhà kinh tế thuần tuý không nghĩ đến.



Không ai ngây thơ đến độ tin rằng chính sách kinh tế của một quốc gia (ngay quốc gia đã phát triển) là luôn luôn dựa trên những phân tích khoa học, khách quan. Trong quy trình làm chính sách, bao giờ yếu tố chính trị, xã hội (và quốc phòng nữa) cũng là quan trọng – có khi là yếu tố quyết định – và sẽ được hội nhập ở một khâu nào đó. (Lại nữa, không luật lệ, chính sách nào tránh được khâu “cò kè bớt một thêm hai” giữa các thành phần, quyền lực khác nhau trong xã hội.) Dù vậy, trước đó, các nhà kinh tế phải cố gắng tận lực – và được có cơ hội – đưa ra những phân tích khách quan, khoa học, những dự báo cho từng kịch bản chính sách. Sau đó, nếu các chính trị gia (chính phủ, quốc hội…) có quyết định không dựa trên những phân tích ấy thì là chuyện khác, và những người này phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, tổ quốc.



Một khó khăn rất lớn cho những người nghiên cứu kinh tế Việt Nam là sự thiếu thốn thống kê chính xác và kịp thời, cũng như sự nhập nhằng trong bộ máy làm chính sách kinh tế (giữa các bộ, giữa trung ương và địa phương, v.v.). Sự thiếu minh bạch về các đòn bẩy quyền lực sẽ ngăn cản những đề nghị cụ thể liên hệ đến những ràng buộc và hạn chế thể chế.



Cũng xin có vài hàng về vai trò của báo chí. Như đã nói, báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá và thúc đẩy nghiên cứu qua các bài phỏng vấn chuyên gia Việt Nam và quốc tế. Tất nhiên, một cuộc phỏng vấn thành công, có ích cho bạn đọc, tuỳ thuộc ở câu trả lời, mà câu trả lời lại tuỳ thuộc vào câu hỏi! Nhà báo cần chuẩn bị thật kỹ câu hỏi để “mớm” cho chuyên gia làm sáng những khía cạnh thiết thực nhất của một vấn đề. Tránh những câu hỏi “chung chung”. Và một điều quan trọng nữa: Không phải bất cứ “giáo sư”, “tiến sĩ” nào cũng là chuyên viên về bất cứ vấn đề gì: một kỹ sư không phải là một nhà kinh tế, một nhà kinh tế không nhất thiết tinh thông xã hội học, thậm chí một nhà kinh tế vi mô chưa chắc là rành chuyện hối suất, ngân hàng, v.v.. Không chọn lựa chuyên viên đúng ngành để phỏng vấn, lắm khi báo chí chỉ gây hoang mang thêm cho công luận.



Thêm nữa, đọc các tạp chí kinh tế chuyên ngành trên thế giới sẽ phát giác hiện tượng đáng hổ thẹn này: ngay các quốc gia láng giềng của chúng ta (như Thái Lan, Indonesia) cũng có nhiều nghiên cứu thâm sâu bởi các nhà kinh tế của họ về nước họ, hơn hẳn chúng ta! Cho đến nay, số bài về kinh tế Việt Nam trên các tạp chí hàng đầu thế giới mỗi năm ít khi hơn số ngón trên một bàn tay. (Chính phát giác này là nguyên do thúc đẩy người viết bài mà bạn đang đọc!) Hiện tại, Việt Nam hầu như chưa có tạp chí kinh tế (nói rộng, gồm cả các ngành “lân cận” như tài chính, quản lý, kinh doanh, v.v) vào hạng “quốc tế” – nghĩa là, đa số bài đều trong đó đều có thể được vài tạp chí uy tín trên thế giới nhận đăng, hoặc có sự cộng tác thường xuyên của các tác giả nước ngoài. So với vài quốc gia trong vùng như Singapore, Hàn Quốc (đừng nói chi đến Ấn Độ, Trung Quốc, thậm chí Bangladesh!)... nước nào cũng có ít nhất 4-5 tạp chí như vậy, thì đây không thể là một tình trạng làm Việt Nam hãnh diện.



Cuối cùng, phải nhận rằng “ta cần biết ta hơn nữa” không chỉ để hoạch định chính sách tăng trưởng, điều tiết và ổn định kinh tế, hay đối ngoại, bởi vì, tuy chỉ là một (trong nhiều) thành tố của công cuộc phát triển, nghiên cứu là biểu hiện, là sinh hoạt căn tính của một xã hội văn minh. Phát triển không chỉ là tạo một đời sống vật chất sung mãn, nó còn là văn minh trong suy nghĩ, trong quản lý, trong chính sách. Nói gọn: “ta cần biết ta hơn nữa” chính vì tiền đồ của dân tộc.

14 Nov 2008

We need more smile

Hôm qua ghé vào chợ, được nghe kể chuyện bà hàng gà vừa “tương” cả bộ lòng gà vào mặt cô bé sinh viên vì mua mấy lạng thịt gà công nghiệp mà còn kì kèo bớt xén.

Bà này nổi tiếng ghê gớm ở chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), vừa bán hàng vừa chửi khách, ấy vậy mà vẫn bán hết chục con gà trong một buổi. Người “dính” một lần thì chừa không quay lại, người lần đầu mua hàng thì sợ xanh mặt mà không dám ho he vì biết gặp phải tổ kiến lửa.

Nhóm bạn chúng tôi một lần vào quán Ngan Khoa nổi tiếng nằm cuối đường Hai Bà Trưng - Hà Nội. Vừa ngồi xuống ghế, cô nhân viên phục vụ mặc áo in hình “ông 30’’ tới tiếp thị cho hãng bia Tiger, thấy khách lắc đầu từ chối, cô nguây nguẩy quay ngoắt đi không để cho ai gọi món. Đợi một lúc lâu, cô nhân viên khác đi ngang qua mới “chiếu cố” cho khách được gọi món ăn. Nhưng một lúc lâu sau vẫn chưa có thức ăn, hỏi thì được cô nhân viên trả lời: Không đợi được thì đi đi!

Chưa hết, nếu không có bản lĩnh, bạn chớ vào bất cứ một ngôi chợ nào ở Hà Nội. Thứ nhất, bạn sẽ mua được món hàng một cách vui vẻ nhưng với giá đắt có thể hơn 10 lần giá trị thật của nó. (Đã có lần một bà chủ nói cái mũ giá 200.000 đồng mà khi cô bạn tôi trả 18.000 đồng bà bán liền).

Thứ hai, nếu bỏ đi vì món hàng bị hét giá cao quá, bạn sẽ được nghe những câu đại loại như: “Lần sau đã không có tiền thì đừng hỏi đồ xịn em nhé’’ hoặc “Sáng ra đã gặp con dở người’’.

Thứ ba, nếu bạn không hỏi mua hàng mà chỉ đi qua, họ sẽ gọi và kéo tay bạn lại: “Em ơi, mua gì cho chị đi. Em ơi, sờ vào một tý cho chị lấy may”.

Nếu bạn sờ tay vào hay hỏi han, xem thứ gì đó mà không mua thì sẽ khổ hơn nữa: “Này, sờ vào hàng rồi định bỏ đi hả, tao bắt mày phải mua đấy, đưa tiền đây”. Nếu cãi lại, bạn sẽ bị đánh hoặc bị xúc phạm hơn thế nữa. Còn những người xung quanh thì “có mắt như mù có tai như điếc”.

Nhưng thật ngạc nhiên, những kiểu bán hàng như cháo chửi, bún mắng vẫn đông nghịt khách hàng và còn được truyền tai nhau như một thứ “văn hóa” của người Hà Nội. Chẳng lẽ tính bảo thủ đã ăn sâu vào người Tràng An tới nỗi họ không còn nhận ra sự tồn tại phi lý của cách kinh doanh như vậy?

Ngạc nhiên ở chỗ, hiện tượng đó không chỉ phổ biến trên đường, ở chợ mà còn ở cả những nơi công quyền. Cụ ông hàng xóm có lần tâm sự bức bối rằng, ông đi làm giấy khai sinh cho cháu ngoại mà bị cô nhân viên ủy ban phường mắng không tiếc lời trước mặt bao nhiêu người chỉ vì ký không hết những chỗ cần ký trong cái sổ cô đưa, trong khi cô không hề chỉ rõ phải ký những chỗ nào. Ông bảo sợ nhất là khi đến các cơ quan nhà nước như ủy ban, bưu điện, ngân hàng vì cứ như đi xin xỏ. Không hiểu sao bộ mặt tất cả những nhân viên ở đó đều lạnh như băng.

Có bao nhiêu “người dưng” có lúc chợt đau lòng vì đạo đức xã hội xuống cấp, sự tử tế, danh dự, nhân phẩm con người trở nên rẻ rúng? Bạn tôi hay mượn câu “Mọi giá trị bị đảo lộn” để bình luận về chuyện này, tuy hơi tiêu cực nhưng không sai. Chúng ta đang sống tàn nhẫn với đồng loại và chính bản thân mình như vậy sao?

Hình như người ta đang hiểu sai cụm từ “cơ chế thị trường” và dùng nó để giải thích cho những sự bất hợp lý của thị trường trong thời buổi hiện nay. Mấy ai hay, cơ chế thị trường phải là nơi người tiêu dùng được bảo vệ một cách tốt nhất. Thế nhưng đã có mấy doanh nghiệp và những người làm chính sách kinh tế biết “thương” lấy khách hàng của mình? Cũng vì những thói quen như vậy nên chẳng mấy người ngạc nhiên khi sữa bột được nhà sản xuất gọi là sữa tươi, thức ăn được pha chế từ sữa bẩn, rau quả được phun thuốc kích thích vô tội vạ, bột nêm có mì chính được gọi là thịt hầm, khách hàng - người nuôi sống doanh nghiệp - lại bị chính doanh nghiệp đáp lại bằng sự dối lừa.

Không chỉ Hà Nội, nhiều nơi trên đất nước ta cũng còn có những nhà hàng không cần khách quay lại, những cô bán hàng làm nhiệm vụ đuổi khách. Người Trung Hoa có câu: “Người nào không biết mỉm cười, đừng nên mở tiệm’’. Nụ cười chính là phong cách kinh doanh của những doanh nhân giỏi, những thương hiệu lớn.

Các chuyên gia tâm lý học đã đưa ra kết luận rằng chỉ có khoảng 15% niềm vui của con người do thu nhập, tài sản và các yếu tố liên quan đến tài chính mang lại; khoảng 85% còn lại là do các yếu tố khác như thái độ và các mối quan hệ do con người tạo nên.

Hải quan Malaysia có khẩu hiệu “Phục vụ khách với nụ cười” gắn ngay trên ve áo. Đó phải chăng là nguyên nhân giúp Kuala Lumpur mỗi năm đón tới 25 triệu lượt khách. Tại sao ở Việt Nam không có một chiến dịch tuyên truyền về nụ cười trong giới công chức, kinh doanh và cả các công dân bình thường trong xã hội? Tôi mơ đến một ngày ngành du lịch Việt Nam sẽ bội thu và xã hội ta sẽ khác đi nhờ những nụ cười.

HỒNG PHÚC

13 Nov 2008

Điện thoại Nhật với tầm nhìn thế giới

Tôi không thể nào có thể sống mà không có điện thoại của tôi", đó là lời của Yuichi Koizumi, một người làm công ăn lương Nhật Bản.
Mặc dù không phải là một nhận xét gì mới lạ trên thế giới, phát biểu của Koizumi thực sự mang ý nghĩa.

Máy điện thoại cầm tay của anh này không phải là một chiếc điện thoại xịn thông thường.

Cùng với chức năng sử dụng thông thường là máy chơi nhạc, camera quay hình và lướt web, anh Koizumi cũng sử dụng chiếc máy làm TV, thẻ tín dụng và vé đi tàu hoả, máy bay.

"Đó là cuộc sống của tôi."

Những người khác ở Nhật Bản cũng sử dụng các điện thoại di động để định vị đường về nhà thông qua hệ thống định vị toàn cầu, hoặc dùng để ưa vé xem chiếu bóng, cập nhật thông tin trên trang blog cá nhân khi họ ở bất cứ đâu.

Nhưng các công nghệ này không có gì mới mẻ ở Nhật. Quốc gia này đã có các dịch vụ di động thế hệ sau trong suốt một thập niên qua.


Các công nghệ của Nhật Bản quá hiện đại, nhưng khi phần còn lại của thế giới đuổi theo, chúng tôi sẽ có nhiều hơn các cơ hội để xuất khẩu các công nghệ đó.


Ông Tsujimura, công ty NTT Nhật Bản

Nhật Bản cũng dẫn đầu phần còn lại của thế giới với việc bùng nổ điện thoại di động thế hệ thứ ba - 3G, số lượng lên tới 104 triệu máy đang được sử dụng.

Doanh số iPhones yếu

Do đó, Apple iPhone, khi đem ra so sánh, không có bất cứ tiến bộ cách mạng nào, như chính lời giám đốc điều hành Apple, Steve Job miêu tả.

Người Nhật rõ ràng không có ấn tượng gì như nhiều giới tiêu thụ toàn cầu khác, trước việc doanh số của iPhone bị sụt giảm một phần ba chỉ vài tháng sau khi được tung ra thị trường.

Các khách tiêu thụ Nhật Bản cũng tránh iPhones vì giá thành cao của loại máy này.

Máy iPhone 16 gigabyte giá thành 80.000 yên (800 đôla), trong khi giá điện thoại xịn loại rẻ nhất do Nhật sản xuất có giá bán chỉ hớn 300 đôla.


Nhiều người Nhật quen dùng ĐTDĐ trả phí đi tàu

Nhưng một câu hỏi lớn hơn đặt ra là tại sao các công nghệ điện thoại di động của Nhật Bản tới nay không hấp dẫn được các khách hàng trên thế giới.

Ông Kiyoyuki Tsujimura, một quan chức điều hành cao cấp của hãng NTT CoCoMo nói: "Vẫn còn quá sớm để phán xét".

'Quá hiện đại'

Ông Tsujimura nói thêm: "Các công nghệ của Nhật Bản quá hiện đại, nhưng khi phần còn lại của thế giới đuổi theo, chúng tôi sẽ có nhiều hơn các cơ hội để xuất khẩu các công nghệ đó".

Chính phủ chia sẻ quan điểm của ông Tsujimura và mới đây đã thông báo sẽ bắt đầu một chiến dịch thúc đẩy mạnh mẽ thị trường đối với công nghệ điện thoại di động của Nhật Bản ra nước ngoài.

Chính phủ tin rằng điện thoại bỏ túi phổ thông của Nhật có thể tạo ra một doanh thu đỉnh cao toàn cầu.

Công nghệ này dựa trên một loại chip vi tính nhỏ xíu gọi là FeliCa, đưa vào bên trong mỗi máy phone đi động. Nó sẽ giao tiếp với thiết bị đọc ở các cửa hàng, các nhà ga tàu hoả và các mày bán hàng trong các thanh toán không dùng tiền mặt.

Song quan chức của chính phủ ông Masayuki Ito thừa nhận: "Công nghệ điện thoại di động của Nhật có chiều hướng kiểu cách," và do đó không được khách tiêu thụ trên thế giới chào đón.

Thế nhưng trong kỷ nguyên của iPhone - cùng với việc các đối thủ cạnh tranh Hàn Quốc đang mở rộng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, các nỗ lực của Nhật Bản có thể xuất hiện hơi muộn.