Trong những năm gần đây, cư dân vùng lưu vực sông Mêkông liên tiếp phải gánh chịu những trận lũ lụt dữ dội khác thường, trong lúc nguồn cá nuôi sống họ lại có dấu hiệu càng lúc càng ít đi. Nhiều tiếng nói từ Thái Lan, Lào, Cambốt hay Việt Nam đã vang lên tố cáo các con đập thuỷ điện đang mọc lên ngày càng nhiều ở thượng nguồn Trung Quốc, thậm chí ở hạ nguồn bên Lào, là nguyên nhân đẩy dân chúng trong khu vực vào tình cảnh khó khăn.
Thực tế đầu tiên tại vùng lưu vực sông Mekong là trong khoảng hai thập niên gần đây, các đập thủy điện đã được xây dựng càng lúc càng nhiều trên dòng chính cũng như trên các phụ lưu của con sông. Nguyên nhân là vì các chính phủ trong vùng muốn tận dụng điều kiện thiên nhiên thuận lợi để đẩy mạnh việc sản xuất điện năng phục vụ cho đà phát triển kinh tế nhanh chóng của các nước.
Nếu chỉ tính đến các đập thủy điện quan trọng, trên dòng chính của sông Mekông, chạy từ miền Vân Nam Trung Quốc xuống tới Cambốt, hiện đã có khoảng 20 con đập đã đi vào hoạt động hay đang trong quá trình xây dựng.
Trung Quốc đi đầu trong việc "ngăn sông
Đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc
Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Thái Lan TERRA/FER, tập hợp nhiều hiệp hội bảo vệ môi trường và sinh thái trong khu vực, thì Trung Quốc là nước năng động nhất trong việc xây đập. Trên đoạn sông Mekong mang tên là tiếng Hoa là Lan Thương, Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào hoạt động ba đập thủy điện lơn là Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng.
Đập Mạn Loan ở Trung Quốc
Ngoài ra hai đập nước khác là Tiểu loan và Nọa Trát Độ đang được hoàn tháng. Trong kế họach của Trung Quốc còn có thêm ba côn đập khác nữa. Đó là chưa kể đến một loạt đập thủy điện nằm trên các phụ lưu sông Mêkong ở vùng Vân Nam. Ở vùng phiá dưới, Lào là nước rất chuộng các công trình thuỷ điện, với 9 đập nước trên dòng chính sông Mekong đang được xây dựng, không kể đến một số đập trên các con sông khác đã đi vào hoạt động.
Đối với các chính phủ, cũng như các định chế tài chánh như Ngân Hàng Thế Giới hay Ngân Hàng Phát Triển Châu Á đã giúp đỡ các chính quyền sở tại thực hiện các công trình xây đập thủy điện, đó là những công trình hữu ích. Thế nhưng, biết bao tổ chức bảo vệ môi trường, thậm chí nhiều chính phủ thuộc những nơi nằm phiá dưới các đập nước trong thời gian qua đã bắt đầu lên tiếng báo động về tác hại của việc ngăn sông đối với đời sống cư dân vùng lưu vực con sông.
Nguồn cá đánh bắt giảm sụt đáng kể
Một trong những chỉ trích đầu tiên là các đập thủy điện đã làm cho nguồn cá bị cạn kiệt. Đây là mối lo ngại chủ yếu của Việt Nam nước ở cuối dòng sông. Theo ghi nhận của hãng tin IPS trong một bài viết đăng ngày 21 tháng 11 vừa qua, thì mới đây, trong một cử chỉ hiếm hoi, giới chức chính quyền Việt Nam đã công khai lên tiếng chỉ trích tác hại của việc xây dựng ngày càng nhiều đập thủy điện trên sông Mêkông.
Trên báo chí Việt Nam, vào cuối tháng 9/2008, phó tổng thư ký Ủy ban Quốc gia sông Mêkông Việt Nam, ông Đào Trọng Tứ, trong một cuộc họp quốc tế, đã cho rằng việc phát triển đập thủy điện trên sông Mêkong và các phụ lưu sẽ có ảnh hưởng không tốt đối với những nước như Việt Nam. Tại buổi họp ở Vientiane, do Ủy ban Sông Mêkông tổ chức để tham khảo ý kiến về thủy điện trong vùng, ông Nguyễn Văn Trọng, phó giám đốc viện Nghiên cứu Nông Nghiệp Việt Nam, đã nêu lên con số 20 triệu nguời ở Đông bằng sông Cưủ Long, sinh sống nhờ nghề cá xuất khẩu và nguồn nước để trồng trọt, có thể chiụ hậu quả tai hại do việc xây dựng đập ở vùng thượng nguồn của dòng sông.
Việt Nam đã bắt đầu thay đổi thái độ, trong lúc mà chính Việt Nam cũng đã góp phần vào việc xây dựng các đập ở vùng hạ nguồn sông Mê kông và phụ lưu. Các công ty Việt Nam đã tham gia nhiều công trình xây dựng đập nước và cũng đang dự trù một số công trình khác trong thời gian sắp tới.
Theo bài báo của hãng IPS, ngư dân tỉnh Cần Thơ cho biết lượng cá họ bắt được đã giảm đáng kể trong vài năm qua. Nguyên nhân là các đập nước xây dựng tại khu vực bên trên đã ngăn không cho cá xuống đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu trước đây ngư dân đồng bằng dễ dàng đánh bắt được hàng tấn cá thuộc loại như cá tra, cá ba sa..., bán những con cá mẹ tốt cho các trại nuôi cá để gây giống và nuôi cá xuất khẩu, bây giờ, các loại cá mẹ tốt rất khó tìm thấy trong các con sông phía Viêt Nam, nhiều người đã phải đi ngược lên tận Biển Hồ, ở Cambốt để đánh bắt. Thế nhưng, tình hình Biển Hồ cũng không khả quan hơn. Ngư dân Cambốt không những than phiền về lượng cá đánh bắt ít hơn, mà chất lượng cá cũng đã thay đổi : ngày càng nhỏ hơn, không tốt như trước...
Nhưng điều làm cho người Việt Nam lo ngại hơn, chính là tác hại của các đập nước bên trên, giữ phù sa màu mỡ lại, không cho chảy xuống bên dưới. Theo một chuyên gia thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cần Thơ, hồ chứa trong các đập thủy điện không chỉ giữ lại nước, mà còn lưu trữ một phần không ít lượng phù sa mang nhiều chất chinh dưỡng, mà trước đây đưọc dòng sông chuyển xuống các vùng hạ nguồn. Hậu quả là đất kém màu mỡ hơn, khiến nông dân ngày càng phải sử dụng đến phân bón hóa học để canh tác. Mà loại phân này lại là tác nhân gây ô nhiễm đất đai.
Lũ lụt nghiêm trọng và thường xuyên hơn
Không chỉ có cá hiếm đi, phù sa ít đi, mà lũ lụt trong những năm gần đây xẩy ra nghiêm trọng hơn ở các nước như Việt Nam, Cambốt , Thái Lan hoặc Lào. Rất nhiều tiếng nói đã vang lên tố cáo các đập nước khổng lồ đã bắt đầu hoạt động của Trung Quốc ở trên Thượng nguồn sông Mêkong.
Theo tờ báo Irrawady của người Miến Điện tại Thái Lan số ra ngày 14/11/2008, nhân một diễn đàn tổ chức trong hai ngày trước đó tại trường Đại Học nổi tiếng Chulalongkorn ở thủ đô Thái Lan, nhiều người đã lên tiếng tố cáo chính quyền Trung Quốc là vào tháng năm 2008 đã đột ngột xả hàng tỷ tấn nước từ ba con đập thủy điện Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng ở thượng nguồn sông Mekong. Trung Quốc lúc đó muốn bảo vệ cho ba con đập khỏi bị phá hủy do các dư chấn từ trận động đất Tứ Xuyên. Thế nhưng hậu quả là hàng ngàn ngôi nhà, đồng ruộng, sức vật của cư dân các vùng ở phiá dưới con đập đã bị tổn hại.
Đất lở tại Thái Lan
Cùng ngày 14/11, nhật báo Thái Lan The Bangkok Post cũng trích lời một hiệu trưởng trường học vùng Chiang Khong, tỉnh Chieng Rai ở miền Bắc Thái Lan, tố cáo Trung Quốc đã gây ra trận lụt nặng nề nhất trong vùng của ông từ 40 năm qua. Theo lời vị hiệu trưởng này thì ít nhất ba huyện ở tình này vẫn đang khốn đốn sau thiệt hại khoảng 2,4 triệu đô la do lũ lụt.
Nhìn chung, có khoảng 60 triệu cư dân sinh sống dọc theo dòng Mê kông, dài 4.800 cây số. Tất cả đều dựa vào con sông, vừa là nguồn lương thực, nguồn nước sinh hoạt thường nhật, vừa là kế sinh nhai chủ yếu, vừa là đường giao thông... Do đó, mọi công trình ảnh hưởng đến con sông đều có hậu quả rất lớn.
Đập thủy điện có nguy cơ mọc lên rất nhiều ở hạ nguồn
Để bảo vệ công cuộc phát triển bền vững trong việc khai thác con sông, 4 quốc gia vùng hạ nguồn : Cambốt, Lào, Thái lan và Việt Nam đã thành lâp Ủy ban Sông Mêkong. Vấn đề là 2 nước trên thượng nguồn là Trung Quốc và Miến Điện không thuộc Ủy Ban này, chỉ là quan sát viên mà thôi.
Vấn đề đang đặt ra là 4 quốc gia thuộc Ủy Ban sông Mêkông, trước mức tiêu thụ nhiên liệu gia tăng, đang khởi động lại một số đề án xây dựng đập thủy điện ở hạ nguồn. Hiện nay thì người ta nói đến 80 đề án ở vùng hạ lưu này, nhưng nhắc nhiều đến 8 con đập quan trọng, 5 ở Lào, 2 ở Thái Lan và 1 ở Cambốt.
Đập gây tranh cãi nhiều nhất là đập Don Sahong, sẽ được xây dựng trên dòng chính con sông Mekong ở khu vực thác Khone tại Lào Lào. Tại đây sông Mekong là một tập hợp các nhánh hẹp trước khi vào đất Cambốt. Tháng 02/2008, Lào đã ký thoả thuận với một tập đoàn Malaysia, cho đề án xây đập Don Sahong.
Đập được xây sẽ ngăn chặn nhánh sâu nhất ở khúc sông này, do đó vào mùa khô, nhất là thời điểm tháng 4 tháng 5 khi mực sông ở mức thấp nhất, thì cá khó mà vượt qua để xuống phiá vùng phiá dưới.
Hậu quả, theo các chuyên gia, là nó sẽ làm cho cá không còn di chuyển từ vùng sinh sản ở Lào và Thái lan xuống Biển Hồ tại Cambốt.
Trong khi đó thì Phnom Penh cũng đang có đề án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông ở tỉnh Kratie. Một tập đoàn Trung quốc đang xem xét tính khả thi.
Riêng Việt Nam, ngoài những đề án xây dựng đập thủy điện trên những con sông của mình, cũng đã tham gia xây đập ở Lào và Cambốt. Ở Lào là Xekamen 1 và xekamen 3, trên sông Sekamen, một phụ lưu sông Mekong, Việt Nam đồng thời cũng tham gia một đề án khác gần Luang Prabang, một đập thuỷ điện 1.410 megawatt.
Những con đập ở vùng hạ lưụ sông Mêkông cũng bị giới chuyên gia, và bảo vệ môi trường chỉ trích mạnh mẽ vì những tác hại tiềm tàng, mà tổ chức phi chính phủ Mỹ, International Rivers Network cũng đã nêu bật trong một báo cáo gần đây.
Theo các chuyên gia Việt nam, cho đến giờ thì họ đã thất bại trong việc chống lại các đập thủy điện Trung Quốc, vì nước này không phải là thành viên của Ủy ban sông Mekông, những với những đề án to lớn dự kiến xây trên dòng chính sông Mêkông, thì Ủy ban Việt Nam có thể dóng chuông báo động về những hậu quả tai hại của những công trình thủy điện trên sông. Theo chuyên gia tỉnh Cần Thơ được IPS trích dẫn : ''Quá nhiều đập lớn xây trên sông Mekong sẽ tàn phá ngành ngư nghiệp và nông nghiệp của chúng tôi.''
Tuy nhiên không ai tin tưởng là sẽ ngăn chặn được số đập thủy điện mọc lên ngày càng nhiều trên sông Mêkông. Cho nên đề nghị có tính khả thi nhất hiện nay là chính quyền các nước nên trợ giúp mạnh mẽ hơn nữa cho cư dân, tạo điều kiện để họ tìm những kế sinh nhai khác thay vì chỉ dựa vào nghề cá hay canh nông.
No comments:
Post a Comment