Trong cuốn Defending China (Bảo vệ Trung Quốc) phát hành năm 1985, Gerald Segal kết luận rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Trung Quốc năm 1979 là một thất bại hoàn toàn: “Trung Quốc đã không thể buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, không chấm dứt được các cuộc đụng độ ở biên giới, không tạo được sự nghi ngờ về sức mạnh của Liên Xô, không xua đi được hình ảnh về Trung Quốc là một con hổ giấy, và không kéo được Mỹ vào một liên minh chống Liên Xô.
Với mục đích phản bác quan điểm nêu trên rằng chính sách của Bắc Kinh là một sai lầm, bài viết này sẽ đánh giá lại vai trò trung tâm của mối quan hệ Trung-Nga đối với quyết định tấn công Việt Nam của Trung Quốc. Quan trọng nhất, bài viết sẽ chỉ ra việc chọn thời điểm 17/2 của Trung Quốc để tấn công Việt Nam là có liên hệ với dấu mốc 29 năm ký Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ Xô-Trung năm 1950.
Cần nhớ lại rằng ngày 14/2/1950, Bắc Kinh và Mátxcơva ký một hiệp ước 30 năm trong đó có những điều khoản bí mật ủng hộ Liên Xô đóng vai trò lãnh đạo của phong trào cộng sản thế giới. Khi Mátxcơva sau đó từ chối đàm phán trở lại các tranh chấp lãnh thổ Xô-Trung, việc này đã dẫn tới các vụ đụng độ ở biên giới hai nước, mà quan trọng nhất là thời kỳ cuối thập kỷ 1960.
Các học giả phương Tây thường không thấy được rằng kể cả trong thời kỳ diễn ra những căng thẳng này trong quan hệ Xô-Trung, Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ năm 1950 vẫn có đầy đủ hiệu lực trong suốt toàn bộ thời kỳ bất ổn này. Ít nhất từ quan điểm của Bắc Kinh, Hiệp ước Xô-Trung 1950 vẫn là một công cụ chính để cho Mátxcơva tìm cánh áp đặt bá quyền đối với Trung Quốc.
Mátxcơva rõ ràng quan ngại điều gì sẽ xảy ra khi hiệp ước Xô-Trung không còn hiệu lực sau 30 năm. Bắt đầu từ năm 1969, Liên Xô thường xuyên hối thúc Trung Quốc thay thế hiệp ước năm 1950 bằng một hiệp ước mới. Năm 1978, các lực lượng Liên Xô được tăng cường dọc theo biên giới Xô-Trung và Trung Quốc-Mông Cổ. Mátxcơva cũng tìm cách buộc Bắc Kinh phải chấp nhận các điều kiện do mình đặt ra bằng cách tăng cường quan hệ ngoại giao với Hà Nội, ký hiệp ước phòng thủ có giá trị 25 năm với Việt Nam vào ngày 3/11/1978.
Tuy nhiên, thay vì xuống nước, Trung Quốc tuyên bố ý định tấn công Việt Nam vào ngày 15/2/1979, ngày đầu tiên mà Trung Quốc có thể kết thúc một cách hợp pháp Hiệp ước Xô-Trung 1950 và tấn công Việt Nam ba ngày sau đó. Khi Mátxcơva không can thiệp, Bắc Kinh tuyên bố công khai rằng Liên Xô đã không thực hiện nhiều lời hứa trợ giúp Việt Nam. Việc Liên Xô không trợ giúp Việt Nam đã khiến Trung Quốc mạnh dạn tuyên bố vào ngày 3/4/1979 ý định chấm dứt Hiệp định Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ Xô-Trung năm 1950.
Thay vì chấp nhận ý kiến rằng cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc là một thất bại hoàn toàn, bài viết này sẽ chỉ ra rằng một trong các mục tiêu ngoại giao chính đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc là để người ta thấy rằng việc đảm bảo trợ giúp quân sự của Liên Xô đối với Việt Nam chỉ là dối trá. Dưới góc độ này thì chính sách của Bắc Kinh là một thành công thực sự, do Mátxcơva đã không tích cực can thiệp, và do đó thể hiện những hạn chế trên thực tế của hiệp ước quân sự Xô-Việt. Kết quả là, bài viết này sẽ chỉ ra rằng Trung Quốc đã đạt được một chiến thắng chiến lược bằng vệc giảm thiểu khả năng trong tương lai của một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận chống Liên Xô và Việt Nam, và cũng là một thằng lợi ngoại giao bằng việc chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung năm 1950.
Bài viết này cũng sẽ đánh giá lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng việc Liên Xô đã không can thiệp chống Trung Quốc đã cho thấy Liên Xô thực chất chỉ là “một con gấu giấy.” Các tư liệu được giải mật gần đây của Liên Xô có xu hướng phù hợp với tuyên bố của Trung Quốc, nó đưa đến một câu hỏi quan trọng là liệu BắcKinh đã xác định được chính xác những dấu hiệu ở Viễn Đông về sự suy yếu trong nội bộ của Mátxcơva – chính sự suy yếu cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 – hay chưa vào năm 1979 – nhiều năm trước khi bằng chứng về sự suy yếu này trở nên rõ ràng trên vũ đài châu Âu. Nếu như vậy thì tồn tại khả năng rằng “sự bắt đầu kết thúc” của Chiến tranh Lạnh thực sự diễn ra ở châu Á.
Sơ lược lịch sử quan hệ Xô-Trung cuối những năm 1960
Quan hệ Xô-Trung cuối những năm 1960 xấu đi không chỉ bởi sự bất đồng sâu sắc về quy chế của vùng Ngoại Mông (Outer Mongolia), mà còn bởi rất nhiều tranh chấp chủ quyền dọc theo biên giới Xô-Trung. Thực tế, những xung đột này đã mang mầm mống ung nhọt bên dưới bề mặt của mối quan hệ Xô-Trung trong hơn một thế kỷ, kể từ khi Đế chế Nga buộc Trung Quốc phải ký một loạt các hiệp ước nhượng lại nhiều phần lãnh thổ rộng lớn của mình. Theo tác giả S. C. M Paine trong cuốn Imperial Rivals (Các đế quốc đối thủ) sắp phát hành: “Đối với Trung Quốc, những phần lãnh thổ bị mất là rất lớn: một vùng rộng hơn cả phần phía đông sông Mississipi của nước Mỹ đã trở thành lãnh thổ của Nga, hoặc, như trong trường hợp Ngoại Mông, đặt dưới sự bảo hộ của Nga.”
Trên thực tế, các bản được công bố của hiệp ước Xô-Trung đã không đưa vào các nghị định thư bí mật. Ấn bản Mùa đông 1995 của Bản tin Dự án Nghiên cứu Lịch sử Quốc tế thời Chiến tranh Lạnh (Cold War International History Project Bulletin) có trích một đoạn lời của Mao Trạch Đông nói về các cuộc đàm phán bí mật Xô-Trung:
Trong các cuộc đàm phán, theo sáng kiến của Stalin, Liên Xô đã tìm cách chiếm quyền sở hữu chính đối với Railway Changchun (tức Harbin). Tuy nhiên, sau đó một quyết định được đưa ra về việc khai thác chung … Railway, bên cạnh đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trao cho Liên Xô căn cứ hải quân ở Cảng Arthur, và bốn công ty cổ phần được mở ở Trung Quốc. Theo sáng kiến của Stalin, … Manchuria và Xinjiang trên thực tế được đưa vào phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô.
Do đó, mặc dù phần công khai của Hiệp ước Xô-Trung 1950 đã được biết đến từ lâu, nhưng cũng không rõ có bao nhiêu nghị định thư bí mật đã được ký kết. Cho đến nay, các nghị định thư này chưa bao giờ được công bố. (Bruce Elleman, “Sự kết thúc của Đặc quyền Ngoại giao ở Trung Quốc: Trường hợp của Liên Xô, 1917-1960,” Nước Trung Hoa Cộng hòa (sắp phát hành, Spring 1996).
Ngày15/2/1950, Mao miễn cưỡng đồng ý công nhận “quy chế độc lập” của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Tuy nhiên, việc này không hề có nghĩa là công nhận sự độc lập hoàn toàn của Mông Cổ đối với Trung Quốc, vì Mao tin chắc rằng chính phủ Liên Xô trước đó đã hứa trả Mông Cổ về cho Trung Quốc. Dựa trên những phàn nàn sau này của Mao, có thể thấy hẳn Mao đã nhận được sự đảm bảo từ Stalin rằng tình trạng của Mông Cổ, cũng như vị trí đích xác của các đường biên giới Trung Quốc-Mông Cổ và Trung Quốc-Liên Xô, sẽ được bàn thảo trong các cuộc gặp trong tương lai. Do đó, chính việc Mátxcơva từ chối mở các cuộc đàm phán với Bắc Kinh cuối cùng đã dẫn đến những cuộc đụng độ trong các thập kỷ 1950 và 1960. Dù vấn đề biên giới Trung Quốc-Mông Cổ đã được giải quyết năm 1962, Mao vẫn công khai lên án những hành động xâm lấn của Liên Xô vào lãnh thổ Trung Quốc và phản đối việc Liên Xô kiểm soát Mông Cổ rằng: “Liên Xô, với lý do đảm bảo sự độc lập của Mông Cổ, trên thực tế đã đặt đất nước này dưới sự thống trị của mình.”
Cuối những năm 1960, trong một loạt các sự cố ở biên giới dọc theo các con sông Ussuri và Amur, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thể hiện sự kiên cường đáng ngạc nhiên trước Hồng Quân Liên Xô. Các cuộc xung đột này tuy nhỏ về phạm vi và không có kết cục rõ ràng, nhưng đã dẫn đến các cuộc xung đột lãnh thổ sau này ở Xinjiang dọc biên giới Trung Quốc với Liên Xô.
Mặc dù căng thẳng trong quan hệ Xô-Trung lớn đến mức nhiều học giả phương Tây gọi đó là “chia rẽ”, nhưng Hiệp ước Xô-Trung 1950 vẫn tiếp tục có hiệu lực. Trên thực tế, hiệp ước này, gồm cả các nội dung được công bố công khai lẫn các phần bí mật, vẫn là nền móng làm cơ sở cho quan hệ Xô-Trung. Tuy nhiên, nền móng này không vững chắc ngay từ ban đầu, do Liên Xô đã từ chối trả lại các phần lãnh thổ mà Sa Hoàng đoạt được trước đây về cho Trung Quốc. Có thể cho rằng chính vấn đề này chứ không phải điều gì khác đã kiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lên án “bá quyền” của Liên Xô ở vùng Viễn Đông. Và cũng chính vấn đề này đã gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những năm 1970.
Quan hệ Xô-Trung trong những năm 1970
Những tranh chấp biên giới Xô-Trung cuối những năm 1960 làm Mátxcơva và Bắc Kinh lo lắng, vì cả Liên Xô và Trung Quốc đều là các cường quốc hạt nhân; dường như có một sự đồng thuận không chính thức là không bên nào dùng đến sức mạnh không quân. (Christian F. Ostermann, "New Evidence on The Sino-Soviet Border Dispute," Cold War International History Project Bulletin, Issue 5 (Spring 1995), 186-193.)
Tuy nhiên, các xung đột biên giới Xô-Trung này đã để lại những hậu quả rất lớn về xã hội, khiến cả hai quốc gia phải sử dụng những nguồn lực hiếm hoi để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra hoặc cho sự leo thang quân sự trong tương lai dọc theo các đường biên giới chung. Sự vững tin mới có được của PLA về khả năng có thể chống chọi được Hồng Quân Liên Xô cũng cho phép Bắc Kinh có cơ hội trong năm 1971 thực hiện chính sách đối ngoại mới thúc đẩy quan hệ thân thiện với Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng nỗ lực để cải thiện quan hệ với Nhật Bản, ký kết một hiệp ước vào tháng 8/1978 với nội dung dường như có tính chất chỉ trích chính sách đối ngoại của Liên Xô ở châu Á bằng việc lên án đích danh “chủ nghĩa bá quyền”. Cuối cùng, những căng thẳng Xô-Trung cũng đưa đến một số cuộc chiến tranh qua tay người khác ở Đông Nam Á, chẳng hạn như cuộc xung đột cuối những năm 1970 giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như khiến Trung Quốc phải chấp nhận vai trò cường quốc khu vực của mình, trong đó thể hiện rõ nhất bằng cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 nhằm cản trở ảnh hưởng đang tăng lên của Liên Xô.
Trong suốt những năm 1970, những căng thẳng Xô-Trung vẫn ở mức cao. Trong thời kỳ này, Mátxcơva cố gắng thuyết phục Bắc kinh đàm phán một hiệp ước mới hỗ trợ, hoặc thay thế, Hiệp ước Xô-Trung năm 1950. Bắt đầu từ năm 1969 và 1970, Mátxcơva đề xuất rằng hai bên cam kết không tấn công lẫn nhau, và đặc biệt là không dùng đến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh không thể hiện bất cứ sự quan tâm nào đến thỏa thuận này, năm 1971 Mátxcơva đề xuất việc hai nước kí một hiệp ước mới cùng nhau từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Sau đó, năm 1973 Mátxcơva thể hiện sự quan tâm bằng đề xuất cụ thể rằng hai nước ký một hiệp ước không tấn công lẫn nhau; Bắc Kinh tiếp tục phớt lờ các bước đi của Mátxcơva.
Khi thời hạn 30 năm của Hiệp ước Xô-Trung sắp kết thúc, các nỗ lực của Liên Xô nhằm thay thế hiệp ước này tăng lên đáng kể. Thí dụ, ngày 24/2/1978, Mátxcơva công khai đè xuất hai chính phủ ra một tuyên bố về các nguyên tắc cho quan hệ Xô-Trung. Các nguyên tắc này bao gồm: 1) bình đẳng; 2) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; 3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 4) không sử dụng vũ lực. Mátxcơva rõ ràng hy vọng rằng một tuyên bố như vậy có thể được sử dụng để thay thế cho Hiệp ước Xô-Trung 1950 nhằm điều chỉnh các quan hệ Xô-Trung. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất trong các đề xuất của Liên Xô rõ ràng là nhằm hạn chế, hoặc thậm chí là làm giàm, ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở châu Á. (Theo Chang Pao-min, khía cạnh này trong chính sách của Liên Xô đối với Trung Quốc là điều hấp dẫn nhất đối với Việt Nam, thậm chí còn trích lời một quan chức Việt Nam nói rằng: “Rõ ràng lợi ích của Liên Xô có sự song trùng rất lợi với lợi ích của Việt Nam – giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong phần này của thế giới.” Chang Pao-min, Kampuchea Between China and Vietnam (Singapore, Singapore University Press, 1985), 46-47.)
Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối mọi lời đề nghị của Mátxcơva và trong suốt những năm 1970 Trung Quốc lên án Liên Xô bằng những lời lẽ mạnh bạo hơn. Thí dụ, tháng 2/1974, Mao Trạch Đông công khai kêu gọi thành lập một liên minh “thế giới thứ ba” chống lại cái gọi là “thế giới thứ nhất”, trong trường hợp này bao giồm cả Liên Xô và Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Mao chết, tờ Nhân dân Nhật báo ra ngày 1/11/1977 có bài viết coi Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất của Trung Quốc trong khi Mỹ được coi là một đồng minh. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa – trong đó đặc biệt là Việt Nam (“Sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc sau năm 1975 và liên minh hiện tại của Việt Nam với Liên Xô có thể xuất phát từ sự phản kháng của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc đòi Việt Nam phải chọn một trong hai bên.” Ramesh Thaku and Carlyle Thayer, Soviet Relations with India and Vietnam (New York, St. Martin's Press, 1992), 287) – cũng được coi là các đồng minh tiềm năng trong một “mặt trận thống nhất” chống Liên Xô. Cuối cùng, ngày 26/3/1978, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mátxcơva, ben cạnh việc thừa nhận sự tồn tại của “các khu vực tranh chấp” dọc đường biên giới Xô-Trung, phải rút hoàn toàn quân đội của mình khỏi Cộng hòa Nhan dân Mông Cổ, cũng như rút khỏi đường biên giới Xô-Trung.
Đáp lại trước những đòi hỏi của Trung Quốc, đầu tháng 4/1978 Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev đi thăm Siberia và thông báo rằng các thiết bị mới, tân tiến hơn đã được cung cấp cho các đơn bị tên lửa đóng dọc theo biên giới Xô-Trung. Theo Brezhnev, các vũ khí mới sẽ là phương tiện để “tự bảo vệ chúng tôi và những người bạn xã hội chủ nghĩa chống lại sự xâm lược có thể xảy ra từ bất cứ quốc gia nào.” Ngay sau đó, ngày 12/4/1978, Ulan Bator cũng công khai phản đối những đòi hỏi của Bắc Kinh, tuyên bố rằng Liên Xô đã bổ sung quân đội tới các bị trí dọc theo đường biên giới Mông Cổ-Ấn Độ theo đề nghị của Mông Cổ nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng quân ở vùng phía nam biên giới.
Đúng như những gì mà các sự kiện này cho thấy một cách khá rõ ràng, đến năm 1978 những căng thẳng biên giới Xô-Trung đã tăng lên đáng kể, chủ yếu là do việc Liên Xô tăng cường điều quân đóng dọc theo biên giới Xô-Trung và tại Mông Cổ. Ở phạm vi lớn hơn, tình trạng này có thể được giải thích bằng những nỗ lực không ngừng của Mátxcơva nhằm ép Bắc Kinh không chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung 1950, điều đã diễn ra trong năm 1979, hoặc tốt hơn là đàm phán một hiệp ước mới với những nguyên tắc làm cơ sở cho quan hệ Xô-Trung trong tương lai. Tuyên bố của Brezhnev rằng ông có ý định sử dụng các lực lượng Xô Viết chống lại Trung Quốc vì “những người bạn xã hội chủ nghĩa” của Mátxcơva cũng là một lời cảnh báo tới Bắc Kinh để họ phải buông Mông Cổ cũng như các đồng minh của Mátxcơva ở Đông Nam Á.
Trung Quốc không những không khuất phục dưới sức ép ngoại giao và quân sự của Liên Xô mà còn tìm cách gây áp lực ngoại giao lại với Mátxcơva bằng việc củng cố quan hệ với cả Mỹ và Nhật Bản. Có thể nói rằng chính sách của Bắc Kinh đã thành công hơn và kết quả là việc Bắc Kinh ký các thỏa thuận quan trọng với cả Oasinhtơn và Tôkiô. Đối với Mátxcơva, rõ ràng các thỏa thuận mới này của Trung Quốc là nhằm chống Liên Xô, do – ít nhất trong trường hợp hiệp ước Trung-Nhật - cả hai bên trực tiếp lên án “chủ nghĩa bá quyền”, thuật ngữ mà Trung Quốc thường dùng để chỉ sự bành trướng của Liên Xô. Đối sách của Liên Xô là tăng cường quan hệ ngoại giao với tất cả các nước Đông Nam Á có biên giới chung với Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là Việt Nam.
Quan hệ Xô-Trung và Việt Nam tháng 2/1979
Mặc dù Trung Quốc có thể không phải là một bên tham gia trong cuộc xung đột Việt Nam những năm 1960 và 1970, nhưng sự giúp đỡ về kinh tế và vật chất của Trung Quốc cho Việt Nam đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trung Quốc không chỉ cử binh lính sang giúp Việt Nam duy trì các đường tiếp tế, mà ước tính sự giúp đỡ về vật chất của Bắc Kinh cho Hà Nội từ năm 1950 đến 1978 đã vượt quá 20 tỉ USD (King C. Chen, China's War with Vietnam, 1979 (Stanford, CA, Hoover Institution Press, 1987), 27). Do vậy, không mấy khó hiểu tại sao Bắc Kinh cảm thấy phật ý trước quan hệ ngày càng gần gũi giữa Mátxcơva và Hà Nội cuối những năm 1970.
Điều này đặc biệt đúng sau khi hai nước ký một hiệp ước phòng thủ chung vào ngày 3/11/1978 mà rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Theo một học giả, liên minh Xô-Việt đã khiến Việt Nam trở thành chiếc “trục” trong “cỗ xe kiềm chế Trung Quốc” của Liên Xô. (Robert A. Scalapino, "The Political Influence of the USSR in Asia," in Donald S. Zagoria, ed., Soviet Policy in East Asia (New Haven, Yale University Press, 1982), 71) Do đó, dưới cách nhìn của Trung Quốc, nỗ lực của Mátxcơva nhằm bao vây Trung Quốc về mặt ngoại giao dường như đã sắp thành công. Nhận thức này đã dẫn đến việc Trung Quốc tấn công Việt Nam tháng 2/1979.
Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong những năm 1960 và đầu 1970 nhìn chung là tốt, nhưng những khác biệt về chính sách giữa Trung Quốc và Việt Nam trở nên lớn hơn sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ tháng 4/1975. Tháng 9 năm đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đi Bắc Kinh và trong một loại các cuộc gặp trong chuyến đi đó, rõ ràng rằng Trung Quốc rất lo ngại về quan hệ gần gũi giữa Việt Nam với Liên Xô. Mặc dù quan hệ tiếp tục xấu đi trong những năm tiếp theo, nhưng bất đồng giữa Trung Quốc với Việt Nam chỉ trở nên rõ ràng khi hàng nghìn người Hoa bắt đầu rời Việt Nam vào mùa xuân và mùa hè năm 1978. Ngoài ra, những tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa, cũng như việc Việt Nam đánh Campuchia, cũng làm gia tăng căng thẳng Việt-Trung.
Trong khi đó, những dấu hiệu gia tăng về quan hệ hợp tác Xô-Việt cũng xuất hiện vào mùa hè năm 1978, khi Việt Nam tỏ ý muốn trở thành thành viên của khối COMECON. Bên cạnh đó, các nguồn tin của chính phủ Mỹ nói rằng đến tháng 8/1978 đã có tới 4,000 chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam. Tháng 9/1978, Liên Xô bắt đầu tăng cường các chuyến hàng chở vũ khí tới Việt Nam, cả bằng đường biển và đường không, bao gồm “máy bay, tên lửa, xe tăng và đạn dược.” Cuối cùng, tất cả các dấu hiệu của việc tăng cường quan hệ Việt-Xô lên đến đỉnh điểm ngày 3/11/1978 với việc Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Rõ ràng hiệp ước này là nhằm vào Trung Quốc, bởi tại điều 6 nên rằng Việt Nam và Liên Xô sẽ “tham vấn nhau ngay lập tức” nếu một trong hai nước “bị tấn công hoặc đe dọa tấn công … nhằm loại bỏ mối đe dọa đó.” Có tin rằng hiệp ước này còn bao gồm một thỏa thuận bí mật cho phép lực lượng quân đội Liên Xô tiếp cận với các “sân bay và bến cảng” của Việt Nam (Ramesh Thaku and Carlyle Thayer, Soviet Relations with India and Vietnam (New York, St. Martin's Press, 1992), 61).
Mặc dù Việt Nam tuyên bố rằng việc ký hiệp ước này với Nga là nhằm ngăn chặn những hành động “phiêu lưu” của Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh rõ ràng coi đây là một phần trong các nỗ lực của Mátxcơva nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc xuống nước và gia hạn các điều khoản bất bình đẳng của Hiệp ước Xô-Trung 1950. Nếu Liên Xô tạo được một chỗ đứng vững chắc ở Đông Nam Á thì có thể đe dọa Trung Quốc từ cả hai bên sườn phía bắc và phía nam. Nếu thành công, chính sách này sẽ tạo cho Mátxcơva sức mạnh đủ để buộc Bắc Kinh gia hạn, hoặc ít nhất là đàm phán lại, Hiệp ước Xô-Trung 1950 theo cách có lợi cho Mátxcơva. Một biểu hiện sớm của mối quan ngại từ Bắc Kinh về Hiệp ước Việt-Xô đã được Nhân dân Nhật báo lên tiếng, trong đó cảnh báo rằng Mátxcơva đang sử dụng Việt Nam để chống Trung Quốc như đã từng làm trước đây, và thất bại, là sử dụng Trung Quốc để gây áp lực với Mỹ. Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng mục tiêu cuối cùng của Mátxcơva là “kiểm soát toàn bộ Đông Dương.”
Với việc ký hiệp ước phòng thù Việt-Xô ngày 3/11/1978, Liên Xô hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ với Việt Nam để giành ưu thế chiến thuật và thọc sườn Trung Quốc. Mối lo ngại chính của Trung Quốc là nếu các chính sách của Liên Xô ở Việt Nam thành công thì chính quyền Xô Viết có thể đạt được sự kiểm soát chặt chẽ về chiến lược và quân sự đối với Trung Quốc. Từ khi diễn ra sự bất hòa giữa Trung Quốc và Liên Xô, đặc biệt là khi xảy ra những xung đột biên giới Xô-Trung cuối những năm 1960, mục tiêu chính của Bắc Kinh là xây dựng tiềm lực quân sự nhằm đối phó với Hồng Quân Liên Xô, điều mà Bắc Kinh đã hầu như đạt được trong khoảng giữa đến cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, khi Trung Quốc có trong tay 3,6 triệu quân theo như báo cáo. Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh tiếp tục tìm cách gây sức ép với Mátxcơva bằng việc chính thức bình thường hóa quan hệ với Oasinhtơn ngày 1/1/1979. Ramser Amer kết luận rằng các liên minh mới của Liên Xô và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: “Vậy là hai liên minh chiến lược đã được thành lập vào những tháng cuối của năm 1978, một liên minh Việt-Xô và một liên minh Trung-Mỹ, và các liên minh này duy trì trong khoảng một thập kỷ.”
Do việc nối lại quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đầu năm 1979, Liên Xô ngày càng lo ngại về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận với các lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu ở phía tây và các lực lượng Trung Quốc ở phía đông. Điều này có thể đã thuyết phục Mátxcơva tăng cường sự ủng hộ đối với cuộc tấn công Campuchia của Việt nam đang diễn ra, một sự kiện mà Robert Ross đã liên hệ chặt chẽ với cuộc tấn công Việt Nam sau đó của Trung Quốc khi ông lập luận rằng việc lật đổ đồng minh thân cận của Trung Quốc ở Campuchia làm Bắc Kinh đặc biệt lo ngại. Trong khi Bắc Kinh không muốn can thiệp trực tiếp vào Campuchia để chặn đứng cuộc tấn công của Việt Nam, cuộc tấn công bằng quân sự của Trung Quốc vào vùng lãnh thổ tranh chấp Việt-Trung có một “mối liên hệ hữu cơ”, khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh bảo Việt Nam không nên nghĩ sai lầm rằng Trung Quốc đang “yếu và dễ bị bắt nạt.”
Tuy nhiên, trong phân tích cuối cùng, Việt Nam là một quốc gia khá nhỏ kể cả về dân số và sức mạnh quân sự, và có lẽ sự gia tăng đột ngột số lượng chuyên gia Liên Xô đến Việt Nam - khoảng 5,000 đến 8,000 vào giữa năm 1979 - và việc cung cấp số lượng lớn các phương tiện quân sự là một cảnh báo nguy hiểm đối với an ninh chiến lược trực tiếp của Trung Quốc. Vì vậy, theo King C. Chen: “Nếu không có liên minh Việt-Xô, cuộc chiến tranh mười sáu ngày giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể đã không xảy ra.” Trong một lần thừa nhận rõ ràng rằng hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam đã làm Trung Quốc lo ngại sâu sắc, Đặng Tiểu Bình công khai thừa nhận rằng “liên minh quân sự” mới giữa Liên Xô và Việt Nam thực chất là một phần trong mục tiêu lâu dài của Liên Xô muốn “bao vây Trung Quốc”.
Sau khi ký Hiệp ước Việt-Xô ngày 3/11/1978, Bắc Kinh phải tìm ra phương sách để phá vỡ âm mưu bao vây Trung Quốc này của Liên Xô. Do vậy, chính nỗi lo bị Mátxcơva đánh thọc sườn đã đẩy Trung Quốc vào thế phải hành động. Rõ ràng, bước đi đầu tiên của Trung Quốc là thử thách mức độ quyết tâm của Liên Xô xem nước này sẽ đứng bên Việt Nam theo đúng tinh thần hiệp ước hay sẽ xuống nước và chấp nhận thất bại. Thậm chí còn có tin nói rằng Đặng Tiểu Bình nói với Tổng thống Mỹ Carter vào tháng 1/1979 rằng một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ “phá vỡ những tính toán chiến lược của Liên Xô…” Do đó, thậm chí Ross còn kết luận rằng trong bối cảnh Việt Nam đã đánh chiếm thành công Campuchia, chính “việc Liên Xô bao vây Trung Quốc như một hệ quả” dẫn tới sự cần thiết phải có một cuộc tấn công hạn chế nhằm vào Việt Nam.”
Chiến tranh Trung-Việt 1979
Các lực lượng Trung Quốc tấn công Việt Nam ngày 17/2/1979. Mặc dù các động cơ chính xác phía sau cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ cho mọi sự diễn giải, nhưng mối lo ngại của Bắc Kinh rằng hiệp ước phòng thủ có giá trị 25 năm của Mátxcơva với Hà Nội có thể dẫn đến việc quân sự hóa của Liên Xô đối với đường biên giới Việt-Trung hiển nhiên là một nhân tố chính. Mátxcơva cũng có thể đã hy vọng rằng hiệp ước ký với Hà Nội sẽ khiến Trung Quốc phải điều bớt quân khỏi phía bắc, do đó làm yếu sự phòng thủ quân sự của Trung Quốc dọc theo biên giới Xô-Trung.
Tuy nhiên, những hy vọng của Mátxcơva đã đổ vỡ khi Trung Quốc quyết định tấn công Việt Nam. Chỉ sau ba tuần đánh nhau, Trung Quốc rút quân và những tranh chấp biên giới Việt-Trung vẫn chưa được giải quyết. Đối với hầu hết những người quan sát từ bên ngoài, hành động quân sự của Bắc Kinh có vẻ như là một thất bại. Nhưng nếu mục tiêu thực sự đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc là nhằm để cho mọi người thấy việc đảm bảo giúp đỡ về quân sự của Liên Xô đối với Việt Nam chỉ là dối trá, thì việc Liên Xô từ chối can thiệp đã chấm dứt trên thực tế hiệp ước phòng thủ Việt-Xô. Do vậy, Bắc Kinh đã đạt được một chiến thắng chiến lược rõ ràng với việc phá vỡ vòng vây của Liên Xô và loại bỏ mối đe dọa của Liên Xô về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận.
Vào ngày 15/2/1979, không chỉ là ngày đánh dấu 29 năm thỏa thuận giữa Mao và Stalin về Mông Cổ mà còn là ngày đầu tiên Trung Quốc có thể chính thức tuyên bố chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương Trợ Xô-Trung, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng Trung Quốc có kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công hạn chế vào Việt Nam. Nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Liên Xô hòng giúp Việt Nam, Đặng cảnh báo Mátxcơva ngày hôm sau rằng Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực với Liên Xô. Để chuẩn bị cho cuộc xung đột này, Trung Quốc đã đặt tất cả quân đội dọc theo biên giới Xô-Trung trong tình trạng báo động khẩn cấp, thiết lập một bộ chỉ huy quân sự mới ở Tân Cương, và thậm chí còn sơ tán khoảng 300,000 dân thường khỏi vùng biên giới Xô-Trung. (Chang Pao-min, Kampuchea Between China and Vietnam (Singapore, Singapore University Press, 1985), 88-89.)
Ngoài ra, phần lớn các lực lượng chiến đấu của Trung Quốc (lên tới khoảng một triệu rưỡi quân) được triển khai dọc theo các đường biên giới với Nga. (Robert A. Scalapino "Asia in a Global Context: Strategic Issue for the Soviet Union," in Richard H. Solomon and Masataka Kosaka, eds., The Soviet Far East Military Buildup (Dover, MA. , Auburn House Publishing Company, 1986), 28)
Như đã báo trước, cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam bắt đầu ngày 17/2/1979, chỉ trong vòng ba ngày sau dấu mốc 29 năm Hiệp ước Xô-Trung 1950. Đúng như Đặng tuyên bố ngay từ đầu, Trung Quốc thực hiện một hành động hạn chế đối với Việt Nam. Không chỉ các lực lượng tinh nhuệ nhất của Trung Quốc được triển khai dọc theo biên giới Trung-Việt, Bắc kinh còn quyết định không sử dụng khoảng 500 máy bay tiêm kích và ném bom đã đóng tại khu vực này trước đó. Phản ứng trước cuộc tấn công của Trung Quốc, Liên Xô đưa nhiều tàu hải quân và thiết lập một cầu không vận chuyển vũ khí cho Việt Nam. Ngày 22/2/1979, đại tá N. A. Trarkov, tùy viên quân sự Liên Xô tại Hà Nội, thậm chí còn đe dọa Liên Xô sẽ “thực hiện nghĩa vụ theo hiệp ước Việt-Xô”; tuy nhiên các nhà ngoại giao Xô Viết ở những nơi khác lại thể hiện rõ rằng Liên Xô sẽ không can thiệp chừng nào cuộc xung đột vẫn còn hạn chế. (John Blodgett, "Vietnam: Soviet Pawn or Regional Power?" in Rodney W. Jones and Steven A. Hildreth, eds., Emerging Powers Defense and Security in the Third World (New York, Praeger Publishers, 1986), 98). Liên Xô rõ ràng không có ý định mạo hiểm với một cuộc chiến tổng lực với Trung Quốc vì Việt Nam.
Sau ba tuần giao tranh căng thẳng, Trung Quốc có thể tuyên bố đã chiếm được ba trong số sáu thủ phủ cấp tỉnh của Việt Nam – Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai – có biên giới chung với Trung Quốc. Mặc dù các lực lượng Trung Quốc có hơn 250 nghìn quân, phía Việt Nam vẫn sử dụng chiến thuật đánh du kích để Trung Quốc không có được một chiến thắng nhanh chóng. Do vậy, khi Bắc Kinh thông báo ý định rút quân vào ngày 5/3/1979, có vẻ như các mục tiêu cơ bản của cuộc tấn công này vẫn chưa đạt được; cụ thể là tiềm lực quân sự của Việt Nam vẫn chưa bị tổn hại nghiêm trọng bởi Trung Quốc. Sau đó, biên giới Việt-Trung tiếp tục căng thẳng khi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam sau ba tuần giao tranh.
Đối với nhiều nhà quan sát bên ngoài, cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam là một thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, như Banning Garrett nhận xét chính xác, “người Trung Quốc chứng tỏ rằng họ có thể tấn công một đồng minh của Liên Xô mà không bị trả đũa từ ‘con gấu giấy’. (Banning Garrett, "The Strategic Triangle and the Indochina Crisis," in David W. P. Elliott, ed., The Third Indochina Conflict, (Boulder, CO, Westview Press, 1981), 212.)
Trên thực tế, với việc chứng tỏ rằng Liên Xô sẽ không can thiệp tích cực vì Việt Nam, Trung Quốc tin rằng việc chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung 1950 cũng sẽ không dẫn đến chiến tranh. Kết quả là ngày 3/4/1979, Bắc Kinh thông báo ý định chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ Xô-Trung năm 1950. Sau đó, mặc dù các cuộc đàm phán Xô-Trung được mở chính thức vào tháng 10/1979, việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan đã tạo cho Trung Quốc lý do để dừng lại các cuộc gặp trong tương lai, và do đó xóa đi bất cứ sự cần thiết nào cho việc đàm phán một hiệp ước ngoại giao mới giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Do các động cơ thực sự phía sau cuộc tấn công năm 1979 của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng, các học giả nghiên cứu về cuộc xung đột này đã đưa ra nhiều giả thuyết ấn tượng. Có lẽ giả thuyết thường thấy nhất là Trung Quốc muốn “trừng phạt” Việt Nam vì đưa quân vào Campuchia, nơi trước đó được coi là một quốc gia chư hầu của đế chế Trung Hoa. Các vấn đề khác trong quan hệ Việt-Trung, như tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa hay việc di tản ồ ạt người Hoa khỏi Việt Nam, cũng được coi là đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thuyết phục nhất là một số nhỏ học giả cho rằng quyết định của Việt Nam đi gần hơn với Liên Xô mới là lý do chính đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc.
Trong số các học giả có quan điểm cho rằng những hành động của Trung Quốc là để đối phó với hiệp ước phòng thủ Xô-Việt ngày 3/11/1979, có nhiều cách diễn giải xung quanh việc chính sách của Trung Quốc là thành công hay thất bại. Thí dụ, theo Gerald Segal, chính sách của Trung Quốc đã thất bại vì không đặt được hiệp ước phòng thủ Xô-Việt tới “thử thách cao nhất.” Robert Ross cũng kết luận rằng chính sách của Trung Quốc là một thất bại, mặc dù ông tích cực hơn Segal ở chỗ cho rằng cuộc chiến tranh Trung-Việt là lần đầu tiên kể từ năm 1949 Trung Quốc sử dụng vũ lực khi lãnh thổ không trực tiếp bị đe dọa, và do đó chứng tỏ Trung Quốc nay có khả năng “hành động như một cường quốc khu vực với những quyền lợi khu vực.” Cuối cùng, Banning Garrett và Nayan Chanda tích cực hơn, ít nhất cũng thừa nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng cuộc chiến tranh hạn chế Trung-Việt là một thành công vì đã chứng tỏ rằng Liên Xô là một “con gấu giấy” bởi Mátxcơva đã từ chối thực hiện nghĩa vụ theo hiệp ước phải can thiệp vì Hà Nội.
Có lẽ quan điểm tích cực nhất về cuộc xung đột Trung-Việt là của Chang Pao-min. Theo Chang, nếu nhìn nhận cuộc xung đột từ quan điểm của Bắc Kinh thì hiệp ước phòng thủ Việt-Xô năm 1978 là một mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh của Trung Quốc. Không chỉ Liên Xô hy vọng sử dụng hiệp ước này để thiết lập một “Hệ thống An ninh Tập thể Châu Á” nhằm vào Trung Quốc, mà quan hệ quân sự của Liên Xô với Việt Nam còn được coi là một nỗ lực nhằm “đe dọa và âm mưu bóp nghẹt Trung Quốc từ phía nam.” Dưới góc độ này, Việt Nam sau này được tả trong các tuyên bố của Trung Quốc là “con dao của Liên bang Xô Viết đặt sau lưng Trung Quốc.” Do đó, đúng như Chang nhận xét, cuộc xung đột Trung-Việt phải được coi là một phản ứng trước nỗ lực của Liên Xô nhằm sử dụng Việt Nam để “kiềm chế và bao vây Trung Quốc ở Đông Nam Á … [do đó tạo ra] một mối đe dọa nghiêm trọng ở sườn phía nam của Trung Quốc.”
Các lập luận đưa ra trong bài viết này có xu hướng ủng hộ quan điểm rằng cuộc chiến tranh Trung-Việt tháng 2/1979 là một thành công. Một khi Bắc Kinh tin rằng Mátxcơva sẽ không can thiệp vì Hà Nội, việc này sẽ khuyến khích Bắc Kinh dứt hẳn với Mátxcơva. Việc này thể hiện rõ nhất trong tuyên bố ngày 3/4/1979 của Bắc Kinh rằng họ muốn chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung năm 1950. Nêu ra bằng chứng cuối cùng rằng các chính sách của Trung Quốc ở Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với Liên Xô, Amers đã nhận xét chính xác rằng quyết định năm 1988 của Trung Quốc không gắn quan hệ biên giới với Việt Nam với vấn đề Campuchia đã tương hợp gần như chính xác với các nỗ lực của Gorbachev nhằm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và cải thiện quan hệ của Liên Xô với các quốc gia ASEAN. Do vậy, bằng việc phá vỡ vòng vây của Liên Xô và loại bỏ mối đe dọa của Mátxcơva về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận, Trung Quốc đã đạt được một chiến thắng chiến lược quan trọng trước Liên Xô.
Liên Xô phải chăng là “gấu giấy”?
Hầu hết các học giả phương Tây đều có một kết luận chung rằng cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc là một thất bại. Thí dụ, theo Gerald Segal, “cuộc chiến Trung-Việt năm 1979 là thất bại quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ năm 1949.” Ở một phạm vi rộng, Robert Ross đồng tình và cho rằng: “Thất bại trong chính sách của Trung Quốc cho thấy rõ vai trò không rõ ràng của cường quốc khu vực này trong chính trị quốc tế đương đại.” Gần đây nhất, Ellis Joffe, một chuyên gia về PLA tại đại học Hebrew University of Jerusalem, kết luận rằng: “Trung Quốc đã chuốc vạ bởi các biện pháp hạn chế chống Việt Nam năm 1979. Trung Quốc định dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học." ("Strait of Uncertainty Taiwan braves increased pressure from China," Far Eastern Economic Review, 8 February 1996, 20-21.)
Các đánh giá tiêu cực này của phương Tây ngược lại hoàn toàn với tuyên bố của Bắc Kinh rằng cuộc chiến chống Việt Nam năm 1979 là một thành công, do quyết định không can thiệp của Mátxcơva đã chứng tỏ rằng Liên Xô chỉ là một “con gấu giấy”. Bắc Kinh có lẽ sẵn sàng chứng tỏ tuyên bố này bằng hành động, khi họ không chỉ công bố việc chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung năm 1950 mà sau đó còn đặt ra cho Mátxcơva ba điều kiện để cải thiện quan hệ Xô-Trung. Ba điều kiện này bao gồm: 1) rút quân đội Liên Xô khỏi biên giới Xô-Trung và Mông Cổ; 2) rút quân đội Liên Xô khỏi Afghanistan; 3) chấm dứt sự ủng hộ của Liên Xô đối với việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia. (Yao Wengin, "Soviet Military Deployments in the Asia-Pacific Region: Implications for China's Security," in Richard H. Solomon and Masataka Kosaka, eds., The Soviet Far East Military Buildup (Dover, MA., Auburn House Publishing Company, 1986), 103.)
Do đó, bên cạnh việc thể hiện một tư thế cứng rắn hơn trong quan hệ với Liên Xô, các nước láng giềng ở phía nam cũng phải cư xử với Trung Quốc một cách tôn trọng hơn. Theo một báo cáo năm 1986, do Hà Nội đã thua trong ván bạc năm 1979 khi cho rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ tấn công, Việt Nam, “với kinh nghiệm của năm 1979, đã triển khai 700,000 quân ở phía bắc.” (Karl D. Jackson, "Indochina, 1982-1985: Peace Yields to War," in Richard H. Solomon and Masataka Kosaka, eds., The Soviet Far East Military Buildup (Dover, MA., Auburn House Publishing Company, 1986), 206.)
Vai trò có tính chất khẳng định hơn của Trung Quốc ở châu Á trong những năm 1980 cho thây Bắc Kinh thực sự tin rằng họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến Trung-Việt năm 1979. Vì thế, mặc dù Nayan Chanda và những người khác đã cnảh báo rằng những tuyên bố của Trung Quốc rằng Liên Xô chỉ là “con gấu giấy” có thể chỉ là luận điệu tuyên truyền, nhưng những hành động của chính Bắc Kinh cho thấy rằng họ tin chắc vào quan điểm này. Chính vì lý do này mà các cuộc tranh luận gần đây xung quanh thời điểm Chiến tranh Lạnh thực sự kết thúc có vẻ như liên quan trực tiếp tới tuyên bố của Trung Quốc năm 1979 rằng Liên Xô đã quá yếu và không thể tham chiến. Thực tế, theo quan điểm của Trung Quốc, việc Liên Xô không can thiệp để giúp Việt Nam năm 1979 là bằng chứng chứng tỏ Mátxcơva không còn ý định tham gia một cuộc chiến tranh lớn. Nói cách khác, thời kỳ nguy hiểm nhất của Chiến tranh Lạnh đã qua đi.
Cho tới nay, cuộc tranh luận thường thấy về việc liệu Chiến tranh Lạnh có kết thúc trên thực tế trước khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 hay không đã diễn ra xung quanh những tuyên bố của tướng bốn sao về hưu của Liên Xô là Anatoly Gribkov, nguyên tham mưu trưởng của khối Hiệp ước Warsaw trong đầu những năm 1980. Gribkov lập luận dựa trên việc đến tháng 12/1981, Bộ Chính trị Liên Xô rõ ràng đã mất ý chí chính trị sử dụng vũ lực để duy trì đế chế mở rộng của họ trong vòng kiểm soát. Đánh giá này dựa trên việc Bộ Chính trị từ chối gửi quân tới Ba Lan để ngăn chặn một cuộc thay đổi dân chủ, một dấu hiệu của sự suy yếu mà Gribkov coi là bằng chứng cho thấy Liên Xô thực sự đã “thua” trong cuộc Chiến tranh Lạnh ngay từ năm 1981.("The Two Trillion Dollar Mistake," Worth, (February 1996), 78-83/128-129. )
Các biên bản được giải mật gần đây của một cuộc họp Bộ Chính trị Xô Viết ngày 10/12/1981 có xu hướng chứng tỏ cho các luận điểm của Gribkov, vì chúng cho thấy rằng lựa chọn gửi quân chống lại đảng “Đoàn kết” của Ba Lan đã bị Mátxcơva bác bỏ với sự đồng thuận rằng rủi ro là quá lớn. (Cold War International History Project Bulletin, Issue 5 (Spring 1995), 135-137) Ngoài ra, các biên bản này còn cho thấy Bộ Chính trị Liên Xô đã cân nhắc một cách nghiêm túc việc nhượng bộ ở Viễn Đông bằng việc ra lệnh rút quân khỏi Mông Cổ; nếu Mátxcơva thực hiện kế hoạch này trên thực tế thì coi như đã chấp nhận một trong ba điều kiện tiên quyết của Bắc Kinh cho việc cải thiện quan hệ Xô-Trung.
Các tài liệu này của Liên Xô, cũng như các tài liệu khác giống như thế, dường như chứng tỏ cho luận điểm của Gribkov rằng đến năm 1981, giới lãnh đạo Liên Xô đã mất khả năng sử dụng vũ lực nhằm củng cố lại đế chế Liên Xô đang lung lay. Cách suy luận này cũng có thể áp dụng cho cuộc xung đột Trung-Việt năm 1979, do việc Trung Quốc tấn công Việt Nam rõ ràng tạo ra một mối đe dọa thực tế đối với an ninh và ổn định cho không gian ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á. Chính việc Bộ Chính trị Liên Xô từ chối thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước đối với Việt Nam và không can thiệp chống Trung Quốc cho thấy lập luận của Gribkov rằng Bộ Chính trị Liên Xô đã mất ý chí chính trị để củng cố đế chế của mình bằng vũ lực có thể được áp dụng tương đương - nếu không tốt hơn – cho kết quả của cuộc chiến Trung-Việt năm 1979.
Sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và sự sụp đổ bất ngờ của Liên Xô năm 1991 đòi hỏi phải có một đánh giá khác về tác động của mối quan hệ Xô-Trung đối với cuộc xung đột Trung-Việt tháng 2/1979. Một khía cạnh cần có trong đánh giá này là xem xét liệu tuyên bố năm 1979 của Trung Quốc rằng Liên Xô chỉ là “gấu giấy” là có căn cứ hơn hay không nếu xét việc Liên Xô tan rã sau đó. Mặc dù khẳng định của Gribkov rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ năm 1981 có thể sớm hơn rất nhiều so với thời điểm mà hầu hết các học giả phương Tây có thể chấp nhận, nhưng vẫn còn muộn hơn mấy năm so với quan điểm của Trung Quốc. Do đó, khẳng định về thời điểm của Trung Quốc không những có vẻ hợp lý, mà đối với các học giả sau này thì năm 1979 một ngày nào đó sẽ chứng tỏ còn chính xác hơn năm 1981. Nếu như vậy, Bắc Kinh phải được đánh giá đúng vì đã xác định chính xác những dấu hiệu ở Viễn Đông về sự yếu kém trong nội bộ Mátxcơva từ hơn hai năm trước khi những dấu hiệu tương tự trở nên rõ ràng ở phương Tây. Điều này sẽ lại làm xuất hiện câu hỏi liệu “sự bắt đầu kết thúc” của Chiến tranh Lạnh có phải đã thực sự diễn ra vào năm 1979 hay không, do việc Mátxcơva đã không đương đầu với thách thức rắn mặt của Bắc Kinh đối với sự thống trị quân sự của Liên Xô ở Viễn Đông.
Kết luận
Các nghiên cứu trước đây về cuộc xung đột Trung-Việt ngày 17/2/1979 nhìn chung đều coi những hành động của Trung Quốc là một thất bại hoàn toàn. Ngược lại, bài viết này đã cố gắng đánh giá lại cuộc chiến Trung-Việt từ góc độ quan hệ Xô-Trung bằng việc liên hệ cuộc xung đột này với dấu mốc 29 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ 14/2/1950. Như một kết quả trực tiếp từ quyết định của Liên Xô không can thiệp giúp Việt Nam, Trung Quốc tin rằng Liên Xô không có đủ ý chí chính trị để dùng chiến tranh nhằm duy trì không gian ảnh hưởng của mình ở châu Á. Kết luận này đã khiến Bắc Kinh thông báo cho Mátxcơva ngày 3/4/1979 rằng Trung Quốc muốn chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung năm 1950 khi hết thời hạn 30 năm vào năm 1980.
Từ 1950 đến 1979, Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ là nền móng cho quan hệ Xô-Trung. Mặc dù phần được phổ biến của hiệp ước này đã được công khai từ lâu, nhưng nội dung chính xác của các thỏa thuận bí mật đi cùng với hiệp ước này vẫn hầu như chưa được biết đến. Tuy nhiên, một điều khá rõ là các thỏa thuận bí mật này có liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ Xô-Trung và trong những năm 1950, 1960, các cuộc tranh chấp biên giới thường xuyên giữa Liên Xô và Trung Quốc phản ánh mức độ căng thẳng mà các thỏa thuận bí mật này đưa đến. Mặc dù các xung đột biên giới Xô-Trung đều không được phép leo thang thành chiến tranh tổng lực, nhưng Bắc Kinh đã liên tục thử thách quyết tâm của Liên Xô xem có sẵn sàng sử dụng vũ lực để duy trì Hiệp ước Xô-Trung 1950 hay không. Do vậy, từ quan điểm của Bắc Kinh, Hiệp ước Xô-Trung 1950 là một công cụ chính cho Mátxcơva áp đặt “bá quyền” đối với Trung Quốc và phần còn lại của châu Á.
Ngược lại, Mátxcơva rõ ràng lo ngại điều gì có thể xảy ra khi Hiệp ước Xô-Trung kết thúc thời hạn 30 năm. Bắt đầu từ năm 1969, Liên Xô thường xuyên thúc giục Trung Quốc thay thế hiệp ước này bằng một thỏa ước mới. Để buộc Bắc Kinh phải xuống nước, Mátxcơva không những củng cố các đường biên giới Liên Xô-Trung Quốc và Mông Cổ-Trung Quốc, mà còn gây áp lực đối với Trung Quốc từ phía nam, bằng việc ký một hiệp ước liên minh với Việt Nam. Do vậy, việc cải thiện mối quan hệ Việt-Xô, đỉnh điểm là việc ký hiệp ước phòng thủ Việt-Xô ngày 3/11/1978, có thể được liên hệ trực tiếp tới mối quan hệ đang xấu đi giữa Trung Quốc với Liên Xô vào cuối những năm 1970. Tuy nhiên, thay vì xuống nước, Trung Quốc đã tấn công Việt Nam ngày 17/2/1979, chỉ ba ngày sau dấu mốc 29 năm ngày ký Hiệp ước Xô-Trung 1950. Khi Mátxcơva từ chối can thiệp giúp Hà Nội, Bắc Kinh quyết định rằng Bộ Chính trị Liên Xô sẽ không sử dụng chiến tranh để buộc Trung Quốc tiếp tục Hiệp ước Xô-Trung 1950 và củng cố quyết tâm để thông báo ngày 3/4/1979 ý định chấm dứt hiệp định này.
Một trong những mục tiêu chính của Bắc Kinh khi tấn công Việt Nam là để đảm bảo rằng Trung Quốc không bị bao vây cả ở phía bắc và phía nam bởi các lực lượng Liên Xô. Cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc, với tất cả những khiếm khuyết rõ ràng của nó, đã thực sự đạt được mục tiêu chiến lược này do việc Liên Xô từ chối can thiệp giúp Việt Nam đã làm mất đi mối đe dọa về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận với Liên Xô và Việt Nam. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc cũng giành được một chiến thắng rõ ràng trước các nỗ lực của Liên Xô muốn gây sức ép buộc Trung Quốc ký một hiệp ước mới thay thế hoặc củng cố Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ Xô-Trung ngày 14/2/1950. Cuối cùng, nhìn lại, khẳng định của Trung Quốc rằng Liên Xô chỉ là “gấu giấy” có vẻ như khác chính xác, và do đó cho thấy có lẽ là dấu hiệu đầu tiên từ bên ngoài rằng đế chế Liên Xô đang bị đe dọa bởi sự sụp đổ từ bên trong, một sự sụp đổ phải mười năm sau mới diễn ra với sự kiện bức tường Berlin năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô năm 1991.
http://viet-studies.info/kinhte/LienHeXoTrung_Elleman.htm
No comments:
Post a Comment