VN và đe dọa suy thoái kinh tế
Cẩm Bích Nguyễn
gửi cho BBC từ TP Hồ Chí Minh
Kinh tế VN đang chiều đi xuống?
Nguyên nhân xảy ra suy thoái là do Chính phủ đã dùng "nhầm thuốc đặc trị" lạm phát tiền giấy để chữa lạm phát giá cả theo vết xe đổ của Fed (Ngân hàng Trung ương Mỹ) thời kỳ 1973-1982.
Trước hết Việt Nam phải gỡ bỏ những giải pháp kiềm chế lạm phát gây sốc cho kinh tế mà phó Thủ Tướng Nguyễn Sinh Hùng đã cảnh báo từ ngày 19-112007 trên báo Lao Động: “nếu không thận trọng, tăng giá và tác động tăng giá sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát, nền kinh tế có thể sụp đổ”.
Những giải pháp cần gỡ bỏ ngay là:
1. Điều chỉnh ngay quyền số các nhóm hàng, mặt hàng trong rổ hàng hoá dùng để tính CPI của Tổng Cục Thống kê (TCTK).
Tất cả các nước phát triển và rất nhiều nước đang phát triển đều dùng CPI trừ năng lượng và hàng ăn nên CPI của họ đã tránh cho nước họ khỏi bị lạm phát giá cả tấn công.
TCTK thực tế đã báo cáo sai tình hình lạm phát trên thế giới lên Chính phủ. Tình hình thực tế là các nước có tỷ lệ lạm phát thấp hơn VN, nhưng TCTK đã báo cáo ngược lại, nên đã có vài nhận định sai như tăng giá là bất khả kháng khiến lòng dân không yên vì sợ lạm phát thái quá.
Tâm lý sợ lạm phát của dân đã làm tăng tốc độ lưu thông tiền tệ, giá cả chung tăng cao nên dù lạm phát tiền tệ ở VN vẫn ở mức vừa phải như ở các nước khác trên thế giới (dưới 10%/năm) nhưng TCTK đã thổi phồng tỷ lệ lạm phát lên vì CPI cũ kỹ của TCTK phản ảnh cả lạm phát tiền tệ và lạm phát giá cả.
Điều không may nhất là các thành viên Chính Phủ và các chuyên gia đã lao vào chống cả lạm phát giá cả trong khi chỉ cần điều hành lạm phát tiền giấy đang thực chất chỉ trong mức lạm phát vừa phải.
Lạm phát bao nhiêu vẫn là câu hỏi
Nguy hiểm hơn nữa các nước khác đã tránh được lạm phát giá cả do đã loại trừ giá dầu khỏi CPI nhưng Chính phủ đã không chịu học tập cách làm hay hơn của họ. Do đó đã không phát hiện được là toàn bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát đều dựa trên thông tin sai lệch của TCTK.
Chả khác gì trong kháng chiến đánh một đồn địch mà dựa vào những tin tình bào sai lầm về quân số của địch thấp xa thực tế và không biết gì về loại vũ khí địch mới đưa vào sử dụng (như lạm phát giá cả, thứ vũ khí lạ hiện nay chả ai để ý tìm hiểu nên phần lớn các bài báo góp ý về giải pháp kiềm chế lạm phát đều không thấy lạm phát giá cả).
2. Chuyển từ kiềm chế lạm phát sang chống suy thoái.
Theo lý luận từ trước đến nay suy thoái chỉ có phương thuốc dùng lạm phát để chống mà Mỹ, Nhật và châu Âu đang làm hiện nay.
Vì sai lầm của TCTK nên ta đã lao vào kiềm chế lạm phát vì gộp cả lạm phát giá cả vào lạm phát tiền giấy nên bây giờ sửa lại có khó khăn hơn nhiều.
Cơn sốc dầu lửa đã rất nguy hiểm vì nó de doạ suy thoái kinh tế toàn cầu, giờ lại đội lốt lạm phát nên cực kỳ nguy hiểm.
Vì vậy nếu TCTK không điều chỉnh CPI như các nước có tỷ lệ lạm phát thấp hơn ta để phản ánh đúng mức lạm phát tiền giấy, tránh lạm phát giá cả, sẽ không thể chuyển từ kiềm chế lạm phát xuất phát từ những thông tin sai của TCTK về lạm phát ở Việt Nam so với toàn cầu sang các biện pháp chống suy thoái.
3. Bỏ các giải pháp kiềm chế lạm phát gây sốc cho kinh tế .
- Bỏ lãi suất cao vì nó đã tự mâu thuẫn: khi nâng lãi suất lên lại phải dùng mức lãi suất trần để không chế lại và ngân hàng trung ương đã nhận ra nguy cơ ngành Ngân hàng có thể bị mất khả năng thanh khoản sau cuộc đua lãi suất giành giật tiền gửi của ngân hàng khác để lo trả nợ khoản vào vào 52.000 tỷ động tiền gửi kho bạc gửi vào các Ngân hàng quốc doanh thay vì gửi vào ngân hàng nhà nước đúng chế độ.
Muốn chống suy thoái là phải hạ lãi suất theo lý luận chung và kinh nghiệm của Mỹ, Nhật và Châu Âu đang làm. Hạ lãi suất còn là tháo gỡ cho Thị trường chứng khoán khỏi mức suy sụp kỷ lục, chứng tỏ đã suy thoái ngay từ thị trường này.
- Bỏ việc không chế mức dư nợ và thay vào đó việc kiểm tra chất lượng và hiệu quả của Tín dụng.
Đây là giải pháp quan trọng nhất vì theo kinh nghiệm thời kỳ suy thoái của Mỹ các doanh nghiệp bị phá sản tới 25.000 là vì các ngân hàng thương mại bị không chế theo tổng mức dư nợ, trong thắt chặt tiền tệ, nên phải từ chối những món vay lớn của các doanh nghiệp đang cần trang trải chi phí bị đẩy lên cao do giá dầu nên không trả được nợ cho các hãng dầu thành vỡ nợ.
Lạm phát ảnh hưởng tới người nghèo
- Bỏ việc bù lỗ cho tổng Công ty Xăng dầu để hạ giá dầu trong nước quá thấp so với các nước làng giềng dẫn tới tái diễn cảnh buôn lậu xăng qua biên giới. Bù lỗ là bao cấp tràn lan vì ngay cả người tiêu dùng ở các nước láng giềng cũng được mua được xăng theo giá thấp đó.
Thay thế bù lỗ giá dầu bằng cách trợ cấp cho các hộ nghèo như công nhân viên chức bậc lương thấp phải đi xe máy đến nơi làm việc. Như vậy là giải quyết cơn sốc dầu lửa (hay lạm phát giá cả) theo quy luật cung cầu. Người tiêu dùng bớt đi xe ô tô, xe máy chuyển sang xe buýt, doanh nghiệp dùng nhiên liệu sinh học thay dầu lửa v.v… để giảm cầu về xăng thu hẹp cung cầu.
Làm việc này sẽ bớt được từ 1/3 đến 1/2 số tiền 44.000 tỷ dự định bù lỗ cho Tổng Công ty Xăng dầu để hạ giá xăng bao cấp tràn lan xăng dầu giá rẻ cho cả người nước láng giềng qua dòng xăng buôn lậu qua biên giới; lấy tiền đó để tăng trưởng GDP, chống suy thoái
Đề phòng suy thoái nặng
Việt Nam có thành tựu tăng trưởng kinh tế nhanh thứ hai thế giới. Nếu tiếp tục giữ được như vậy sẽ không thể có suy thoái. Nhưng vì sai lầm muốn chữa cả lạm phát giá cả nên ta đã tự chấp nhận hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng nghĩa là chấp nhận suy thoái nhẹ.
Chính vì không hiểu về lạm phát giá cả ta đã mở đường cho kịch bản suy thoái nặng, vì vậy thấy ra sai lầm, sửa ngay, là biện pháp tốt nhất để ngăn kịch bản suy thoái nặng nhất không xảy ra.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có đóng góp ý kiến xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải.
--------------------------------------------------------------------------------
Trần Quang Thiên, TP HCM
Cứ nhìn vào sức mua thực tế từ các chợ thì thấy lạm phát bao nhiêu phần trăm. Những con số của TTTK quá hàn lâm đối với người bình dân VN. CP tin vào các con số ấy kể đánh giá lạm phát, tôi nghĩ là chưa thực tế. Lực lượng lao đông chính của VN hiện giờ, nhất là tại các thành phố lớn tùy thuộc vào cái xe gắn máy và cái xe đạp. Xăng có lên giá thì người sống nhờ cái xe gắn máy vẫn phải sử dụng để kiếm sống hàng ngày.
Các nhà lãnh đạo có quan tâm đến tầng lớp người sử dụng xe gắn máy và tầng lớp công nhân thì mới thực sự quan tâm đến đời sống người VN . Các công ty tư nhân mới nổi phần lớn trông vào lãi suất ngân hàng để còn vay mà làm ăn. Nay lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp co lại và có thể biến mất lúc nào không hay, còn các đại gia, nhất là các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm nhiều tiền, làm ăn vô tội vạ, ai chết chứ họ có chết đâu. Họ đâu có sợ lạm phát.
Linh, Moscow
Theo tác giả chỉ cần chữa sổ thì sức mua của người dân ăn lương VN được tăng “cao”? Ở Nhật , Mỹ với đồng lương 3 -4 ngàn đô /tháng thì quyền số của thực phẩm thấp là phải. Người công nhân VN tại doanh nghiệp FDI nhận lương 60$ ( hơn triệu đồng –gấp đôi lương “cơ bản”) thì quyền số thực phẩm trong CPI cao là đúng.
Xin lưu ý là giá xăng dầu hiện nay vẫn còn được “ghìm” nên không ảnh hưởng đến tăng lạm phát. Còn hiệu quả hạn chế từ biện pháp tiền tệ của chính phủ nằm ở cơ cấu nề KT VN , có quá nhiều các doanh nghiệp nhà nước. Giám đốc các xí nghiệp này quan tâm đến lời lãi, tức hiệu quả doanh nghiệp thấp hơn các loại danh hiệu “Anh hùng”,”CS thi đua”, “lá cờ đầu” …vân vân,chỉ cần đạt được các chỉ tiêu “tăng trưởng” của cấp trên giao là hoàn thành nhiệm vụ. Do đó họ ( các XN) vẫn vay tín dụng thoải mái, sống chết mặc bay.
Mặc dù lãi suất vẫn cao mà chi tiêu không giảm, giá vì thế mà leo cao, không xuống được. Trong khi đó các doanh nghiệp tư lại chịu thiệt hại nặng do chi phí vốn quá lớn dẫn đến suy thoái sản xuất, cắt giảm nhân sự lớn. Thời kỳ Stagflation đang đợi ở phía trước. Nói chung đó là cái giá phải trả của KTTT định hướng XHCN, giống nước Anh những năm 70.Chỉ có cải cách thật mạnh mới mong chữa được bệnh. Điều này chưa và sẽ không xảy ra ở VN. Nguyên nhân ư? Hãy hỏi chiếc đồng hồ Thụy sỹ trên cổ tay các quan chức .
No comments:
Post a Comment