19 Sept 2008

Giải cứu AIG, điều gì sẽ xảy ra trong tương lai?

Liệu việc chính phủ Mỹ đổ tiền ứng cứu cho các định chế tài chính lớn sẽ giúp giải quyết khủng hoảng hay sẽ là khởi đầu cho những cuộc khủng hoảng kế tiếp.

Những “anh hùng” sa cơ!

Có thể nói giới đầu tư đã trải qua những thái cực thật khác nhau trong những ngày vừa qua. Đầu tiên là "chấn động" về sự ra đi của ngân hàng Lehman Brothers (LB), kế đến là đầu tàu của ngành bảo hiểm Hoa Kỳ và thế giới AIG có khả năng nối gót theo sau nếu không tìm được khoản tín dụng trị giá 20 tỷ USD ngay trong ngày 16/09/2008 (giờ Hoa Kỳ). Nếu như sự ra đi của LB làm các thị trường chứng khoán trên toàn cầu lao đao trong hai ngày qua, thì thông tin AIG được giải cứu bởi chính phủ Mỹ (với khoản tín dụng trị giá 80 tỷ USD để đổi lấy quyền kiểm soát 79.9% cổ phần của AIG) đã phần nào làm dịu bớt bầu không khí căng thẳng tại phố Wall.


Danh sách các anh hùng sa cơ tại Mỹ trong thời gian qua (đã bị phá sản hoặc mua lại)


Hành động của chính phủ

Như vậy tính từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất dưới chuẩn bắt đầu bùng phát, chính phủ Mỹ đã phải tung ra khoảng trên 600 tỷ USD để "cứu cánh" cho hệ thống tài chính đang trong cơn nguy cấp của mình. Câu hỏi ở đây là cần bao nhiêu tiền nữa để nâng đỡ cho hệ thống tài chính qua cơn bĩ cực và quan trọng nhất là số tiền này được lấy từ đâu ra? Đây có lẽ là câu hỏi là mà bất kỳ ai quan tâm tới thị trường hiện nay cũng đều băn khoăn.






Số tiền mà chính phủ Mỹ đã chi ra để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay


Các nhà đầu tư đều biết rằng chính phủ Mỹ hiện nay là con nợ lớn nhất của thế giới. Cán cân thương mại của Mỹ trong suốt những năm qua đều là những con số âm (khoảng 700 tỷ USD theo ước tính của Cục thống kê và Cục phân tích kinh tế Hoa Kỳ). Thâm hụt ngân sách liên bang thì ngày càng trầm trọng hơn kể từ khi tổng thống Bush nắm quyền (ước tính khoảng 482 tỷ USD). Vậy tiền ở đâu ra để đổ vào những cuộc giải cứu “đầy ngoạn mục” hiện nay? Câu trả lời: phát hành thêm tiền mới. Lẽ dĩ nhiên, ai cũng biết, điều này có thể làm gia tăng mức độ lạm phát, vốn đang là vấn đề nhức nhối của toàn thế giới. Tuy nhiên, sẽ có một khía cạnh khác nguy hiểm không kém, đó là vấn đề nợ quốc gia.

Nếu ai đã từng đọc cuốn Chiến tranh tiền tệ của Song Hong Bing, sẽ có được giải đáp một phần nào đó về cách tạo ra tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Tại Hoa kỳ, chính phủ không có quyền phát hành tiền. Đặc quyền này nằm trong tay Fed, vốn là hệ thống ngân hàng bao gồm nhiều ngân hàng dự trữ bang (không ít cổ đông góp vốn trong số các ngân hàng này là tư nhân, vì thế Fed còn được biết với cái tên “Ngân hàng trung ương tư nhân”). Như vậy, muốn có tiền để chi tiêu, chính phủ phải phát hành các công cụ nợ (T-Bill, T-Notes, T-Bonds…), và sử dụng chúng như vật thế chấp cho Fed để sau đó, cơ quan này sẽ phát hành một lượng tiền pháp định tương ứng. Và các công cụ nợ này được đảm bảo bằng các khoản đóng thuế của người dân trong tương lai. Như vậy, nếu chi tiêu càng nhiều, thì càng phải phát hành nhiều công trái hơn nữa. Gánh nặng lúc này sẽ lại đổ dồn lên người đóng thuế, hay nói cách khác, nếu chính phủ chi tiêu quá mức, việc tăng thuế là điều có thể xảy ra. Vậy hậu quả sẽ là gì? Dân chúng thắt chặt hầu bao, các nhà sản xuất hàng hóa sẽ giảm sản lượng và một cuộc suy thoái trong tương lai là có thể đoán được. Khi đó Chính phủ Mỹ sẽ lại là hoàn trả thuế để kích thích nền kinh tế chăng? Và như thế thì chính phủ lại phải phát hành công trái để có tiền, và lại là gì nữa thì ai cũng đoán được. Một vòng luẩn quẩn !!

Trên đây chỉ là nhận định cá nhân. Mong được sự chỉ giáo từ các Saganors

No comments: