Sự kiện Sony đóng cửa nhà máy lắp ráp tivi tại Việt Nam để chuyển sang hình thức kinh doanh nhập khẩu là hồi chuông cảnh báo để các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn thực tế hơn về thực trạng của ngành công nghiệp Việt Nam.
Từ xuất thô khoáng sản…
Việc đảm bảo sản lượng dầu thô ở mức 16 triệu tấn trong năm nay khi giá dầu thế giới đang ở mức cao được xem là đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiệu quả khai thác tài nguyên phụ thuộc rất lớn vào sơ đồ công nghệ và các phương pháp khai thác.
Cho tới nay, dầu thô mà Việt Nam khai thác được vẫn chủ yếu là từ các mỏ ở trong nước, tỷ lệ đóng góp từ các mỏ dầu ở nước ngoài mà Việt Nam tham gia cổ phần mới chiếm một phần rất nhỏ. Trong khi đó, mỏ Bạch Hổ - chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thô khai thác năm nay đã ở giai đoạn giảm sản lượng so với đỉnh cao 13 triệu tấn/năm. Còn các mỏ khác thì hoặc chưa có sự tăng đột biến sản lượng hoặc vừa mới bắt đầu khai thác. Việc ngành dầu khí thương thuyết mua mỏ ở nước ngoài để bổ sung nhanh sản lượng khai thác cũng được các chuyên gia cho là không dễ dàng.
Ông Trần Lê Đông - Tổng giám đốc XNLD Vietsovpetro cho hay, mua mỏ cần số tiền lớn mà lại có những rủi ro nhất định nên phải vừa thận trọng, vừa phải “quyết nhanh” nếu không muốn bị “hớt tay trên”. Nhưng với cơ chế phải xin ý kiến nhiều cấp như hiện nay thì việc “quyết nhanh” hay chuyển một lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài ngay lập tức là điều không đơn giản.
Nhìn rộng ra, ngành công nghiệp khoáng sản của Việt Nam vẫn chủ yếu khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô. Năm ngoái, lượng than đá xuất khẩu là gần 32 triệu tấn trong tổng số hơn 41 triệu tấn khai thác được. Và những đoàn xe chở quặng sắt khai thác từ mỏ Quý Xa (Lào Cai) thì vẫn đang rầm rập đổ về cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc.
Dù có thêm các “đại gia” nhưng ngành công nghiệp điện tử máy tính vẫn chỉ dựng lại ở lắp ráp đơn thuần
Trong khi đó, chỉ trong vài năm tới, việc thu xếp một khối lượng than cực lớn để sử dụng cho hàng loạt nhà máy điện sẽ đi vào hoạt động lại không hề đơn giản, đặc biệt là khi nhiều nước đã hạn chế hoặc đóng cửa mỏ của mình để tranh thủ đi mua càng nhiều càng tốt tài nguyên của những nước nghèo hơn. Viễn cảnh cạn kiệt tài nguyên mà không có được những ngành sản xuất tạo ra nhiều giá trị gia tăng hoàn toàn có thể thấy trước đối với những nước chỉ trông chờ vào tài nguyên sẵn có để khai thác.
… tới công nghiệp “xoáy tuốc nơ vít”
Hơn 10 năm về trước, các chuyên gia của công ty Toyota Motor khi mới xây dựng nhà máy sản xuất ôtô đã cùng những doanh nghiệp vệ tinh của mình có không ít buổi thuyết trình với các cơ quan hữu trách xung quanh việc lựa chọn một vài công đoạn trong dây chuyền sản xuất toàn cầu của Tập đoàn để các “vệ tinh” của Toyota có thể tập trung đạt sản lượng ở quy mô kinh tế.
Tuy nhiên, với mục tiêu phải có công nghiệp ô tô, bất kể quy mô nào, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ô tô hay xe máy không phân biệt trong nước hay nước ngoài đều được yêu cầu đạt một tỷ lệ nhất định về nội địa hóa. Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hầu như đều đầu tư vào các công đoạn giống nhau như hàn, sơn, lắp ráp thì các doanh nghiệp lắp ráp xe máy hay ôtô trong nước cũng đều na ná nhau với các công đoạn lắp ráp, sản xuất khung xe máy, sơn tĩnh điện cho ôtô.
Vậy là gần 3.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp xe máy trong nước bỏ ra đầu tư dây chuyền sản xuất và hơn 50 doanh nghiệp ôtô trong nước cũng bỏ ra không dưới 3.000 tỷ đồng nữa để xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị. Trong cuộc đào thải tự nhiên của thị trường, hầu như chỉ có các đối tác nước ngoài là trụ vững, bởi tất cả các công đoạn về công nghệ, thiết kế và bản quyền họ vẫn nắm chắc trong tay (không có chuyện chuyển giao lại cho công ty con thành lập tại Việt Nam theo hình thức liên doanh).
Chính vì vậy, sự kiện Sony đóng cửa nhà máy chuyển sang nhập khẩu sản phẩm ti vi nguyên chiếc cũng là lẽ thường tình của một doanh nghiệp với mục tiêu lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Khi đầu tư vào Việt Nam cách đây 14 năm, khác hẳn với các nhà đầu tư ở nhiều lĩnh vực khác, doanh nghiệp lắp ráp ti vi này chỉ đặt ra thời hạn có 10 năm. Sau hơn 10 năm ở lại Việt Nam, cùng với lợi nhuận có được từ chênh lệch thuế giữa sản phẩm lắp ráp trong nước từ đa phần linh kiện nhập khẩu trong khu vực ASEAN có thuế quan ưu đãi theo Hiệp định hợp tác công nghiệp (AICO) với sản phẩm nguyên chiếc nhập khẩu từ các nước xuất khẩu linh kiện, thương hiệu Sony vẫn tiếp tục tỏa sáng, dù người lao động Việt chỉ được chuyển giao công nghệ “xoay tuốc nơ vít”! Ngay cả với làn sóng đầu tư của nhiều doanh nghiệp điện tử lớn như Intel với hơn 1 tỷ USD, Foxxcon với quy mô có thể lên tới 5 tỷ USD hay ba nhà máy đang hoạt động của Canon tại Việt Nam dễ làm ngợp nhiều người thì cũng không chắc ngành công nghiệp điện tử Việt Nam sẽ sở hữu thêm được công nghệ hiện đại nào từ đây.
Là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, lợi thế khiến các Tập đoàn này tìm đến Việt Nam là lao động rẻ cùng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp chứ không phải là trình độ tay nghề lao động cao hay nhiều vốn! Như vậy, dù có thêm các “đại gia” nhưng ngành công nghiệp điện tử, máy tính trong nước vẫn chỉ dừng lại ở công đoạn lắp ráp đơn thuần và thu nhập phần lớn là từ công lao động phổ thông. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử, máy tính là 2,1 tỷ USD nhưng phần nhập khẩu của mặt hàng này cũng lên tới 2,9 triệu USD!
Một thế mạnh khác cũng hay được nhắc tới là xuất khẩu hàng dệt may và da giày. Nhưng theo thống kê, trị giá những nguyên liệu như bông, xơ, sợi, vải, nguyên phụ liệu dệt may và da giày nhập khẩu đã lên tới 7,117 tỷ USD trong năm 2007. Trong khi đó thì kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này năm 2007 là 11,74 tỷ USD. Nhưng giá trị thực thu của hai mặt hàng này chỉ khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu. Chẳng vậy mà các chuyên gia của một bộ chức năng khi thảo luận về kế hoạch phát triển công nghiệp năm 2009 đã nhận xét vui rằng, công nghiệp chế tạo hiện nay dường như chỉ làm được máy bơm, mà cũng phải liên doanh mới ra.
Thực tế đầu tư, sản xuất và xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay cho thấy đã đến lúc cần xác định lại cơ cấu các ngành công nghiệp và lợi thế thu hút đầu tư để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong sản xuất công nghiệp thay vì cứ mãi xuất khẩu khoáng sản thô, gia công, lắp ráp đơn thuần.
Hoàng Minh (Doanh nhân)
No comments:
Post a Comment