Cho tới mãi gần đây, ý tưởng về các giá trị Nhật mới chỉ đóng khung trong hình ảnh không mấy hấp dẫn về những công ty cần mẫn, tham việc. Nhưng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, như qua một cơn ngủ mê, bỗng chốc được đẩy vào vị trí một hình mẫu đáng học hỏi khắp thế giới, từ các quốc gia đang phát triển, các cường quốc công nghiệp cho đến cả những vùng đất từng bị quân đội Nhật hoàng giày xé.
Tình nguyện viên người Nhật Chiyoko Ichishima dạy trẻ em môn nghệ thuật và thủ công trong một ngồi trường phía ngoài thủ đô Kampala, Uganda. (Ảnh: TIME)
Những ngọn gió hoà bình Nhật Bản
Khi Kensuke Onishi quyết định sử dụng tấm bằng đại học ngoại ngữ và khả năng tiếng Anh nhuần nhuyễn để giúp đỡ những người tị nạn bất hạnh tại khu vực của người Kurd tại Iraq, những người bạn của mẹ anh nói với bà rằng họ rất thấu hiểu nếu điều đó khiến bà rơi lệ. Họ an ủi bà, rằng rồi người con trai cũng sẽ trở về nhà, sẽ chọn việc làm trong một công ty lớn, như con đường mà tất cả những người làm công ăn lương đã từng làm trước đó mà thôi.
Nhưng vào năm 1996, Onishi đã thành lập ra một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn nhất tại Nhật Bản, mang tên Những ngọn gió Hoà bình Nhật Bản, mà tầm hoạt động trải rộng từ Sudan đến Đông Timor.
Ngày nay, người đàn ông 41 tuổi, quê quán tại Osaka này, nhận thấy rằng người dân nước ông đã không còn giữ định kiến rằng, giúp đỡ những người nước ngoài bất hạnh là một sự lựa chọn đáng xấu hổ.
Hai cựu tình nguyện viên tại Những ngọn gió hoà bình giờ đang giữ trọng trách tại Hạ viện Nhật. Còn Onishi gần đây đang phải cật lực xem xét các đơn xin việc từ những nhà đầu tư ngân hàng vỡ mộng. “Người dân tại Nhật được sống trong những điều kiện hoà bình và quá yên ấm”, ông Onishi nói. “Tôi nghĩ rằng, ngày càng nhiều người Nhật đang nhận thức ra rằng nhiệm vụ của họ là giúp đỡ người dân không may mắn bên ngoài và mang một phần giá trị Nhật đến thế giới”.
Thậm chí, khi nền kinh tế nội địa của Nhật đang trượt vào suy thoái, và cơn chấn động chính trị chưa có dấu hiệu kết thúc, ảnh hưởng ở nước ngoài của xứ anh đào vẫn đang ngày càng lan rộng.
Dù việc phát triển sức mạnh quân sự bị hạn chế bởi hiến pháp được ban hành sau Đại chiến II, ảnh hưởng quốc tế của Nhật chủ yếu dựa vào quyền năng mềm - thuật ngữ được GS Harvard Joseph Nye đưa ra năm 1990 để mô tả những quốc gia đạt được mục tiêu đề ra thông qua hấp lực họ mang lại, hơn là sự cưỡng ép.
Ngày nay, một thế hệ những người Nhật Bản duy tâm đang nỗ lực xoay chuyển thế giới thông qua các công cụ về kinh tế, xã hội và văn hoá. Nhật Bản không có ý định khuyếch trương với cả thế giới về những việc làm của họ, điều có thể hiểu được nếu nhìn lại quá khứ về chủ nghĩa đế quốc và những bất hoà lịch sử về đường biên giới quốc gia. Khi một công ty địa ốc Nhật giành được Trung tâm Rockefeller vào thập niên 1980, thoả thuận này đã gây ra sự bất bình trong một cộng đồng người Mỹ, vốn lo ngại Nhật Bản, theo đúng nghĩa đen, đang tiếp quản nước Mỹ.
Chiến dịch giành trái tim và trí tuệ thế giới
Nhưng vào thời điểm này, chiến dịch giành trái tim và trí tuệ thế giới của Nhật đã thành công vượt mong đợi. Theo một kết quả trưng cầu của Hãng BBC trong năm nay, Nhật Bản đứng thứ hai thế giới về hình ảnh tích cực trên toàn cầu. (Đức đứng đầu danh sách, trong lúc Mỹ ở vị trí thứ 7). “Quyền lực mềm đã trở thành một thế lực quan trọng”, ông Heizo Takenaka, cựu Bộ trưởng Kinh tế và chính sách ngân khố Nhật Bản, cho hay. “Nếu nước Nhật có được bộ phận lãnh đạo chính trị đúng đắn, sức ảnh hưởng này thậm chí còn có thể lớn hơn nhiều”.
Sự tấn công đầy mê hoặc của Nhật được định hình trên nhiều lĩnh vực. Các ngân hàng Nhật rủng rỉnh tiền bạc, vốn mới nổi lên sau một thập kỷ khủng hoảng nợ nần kéo dài, đổ tiền của vào những công ty yếu kém như Morgan Stanley. Các tập đoàn của Nhật lại chú trọng những phi vụ đầu tư cần nhiều vốn ở nước ngoài, mở các nhà máy và văn phòng đại diện khắp Châu Phi và Châu Á.
Vào tháng 10, ngân hàng trung ương của nước này thậm chí còn đề nghị cung ứng một phần trong khoản dự trữ gần 1 nghìn tỷ USD để giải cứu cho các quốc gia đang bị giằng xé trong cơn bão tài chính, như Iceland. Tháng 11, Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng cung cấp khoảng vay 100 tỉ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng, nước Nhật không chỉ vung ra tiền bạc. “Do hệ thống tài chính của Nhật ít bị ảnh hưởng nhất trong cơn bão tài chính hiện nay, nên chúng tôi có cơ hội giúp đỡ thế giới và truyền đi thông điệp về trách nhiệm xã hội”, nghị sĩ Kotaro Tamura, bộc bạch.
Hình mẫu của thế giới
Một chợ cá ở Nhật Bản (Ảnh: cooksonweb.name)
Đó là điều mới. Cho tới mãi gần đây, ý tưởng về các giá trị Nhật mới chỉ đóng khung trong hình ảnh những công ty cần mẫn, tham việc. Nhưng trên khắp thế giới, kể cả ở những vùng đất từng bị giày xé dưới đế chế thực dân Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bỗng được đẩy vào một vị trí như hình mẫu để học hỏi.
Các quốc gia phát triển như Việt Nam đang nghiên cứu về cách Nhật Bản biến nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh trở thành một cường quốc về công nghệ, trong lúc vẫn duy trì được những sức mạnh văn hoá truyền thống.
Các quốc gia công nghiệp lại muốn tìm đến những hướng dẫn sinh thái học từ một quốc gia đã trở thành một cường quốc kinh tế, nhưng vẫn giữ đặc tính bảo vệ môi trường.
Những đối tượng khác bị Nhật Bản thu hút bởi các dòng truyện tranh khôi hài nổi tiếng, và, không ít, bởi cuốn séc hào phóng của Nhật. Dù trong vài năm gần đây, Nhật Bản đã cắt giảm cam kết viện trợ nước ngoài, nhưng quốc gia này vẫn là nhà tài trợ song phương lớn nhất đối với nhiều quốc gia, như Campuchia, Việt Nam.
Nhật Bản, trên một khía cạnh khác, đang được hưởng lợi bởi những gì mà nó không có. Thế giới đang hào phóng trao tặng tình yêu cho quốc gia này, bởi nhiều quốc gia đang lo lắng trước sự gia tăng ảnh hưởng của các nền kinh tế nổi lên ở Châu Á như Trung Quốc.
Không giống Nhật Bản, Trung Quốc hầu như không để tâm vào việc che giấu sự thèm muốn tài nguyên thiên nhiên toàn cầu. Kết quả, Nhật Bản đã đánh bật Trung Quốc trong cuộc điều tra hồi tháng 6 về mức hiệu quả quyền lực mềm tại 6 quốc gia, do Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu thực hiện.
Vượt ra ngoài sự lu mờ trước một Trung Quốc đang lớn mạnh, sự trỗi dậy của Nhật Bản, trên thực tế, đã một lần nữa đánh thức sự ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế. “Nhật Bản đang ngày càng được chấp nhận một cách tự nhiên như thành viên của cộng đồng quốc tế”, ông Watanabe –đồng biên tập cuốn sách “Những siêu cường quyền lực mềm” mới xuất bản – cho hay.
Ngoại giao truyện tranh hài
Truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng trên toàn thế giới (Ảnh: blog Gấu con)
Là một thanh niên lớn lên trên đảo Sumatra của Indonesia, Alimansyar luôn hướng về Nhật Bản với một nghĩa duy nhất: Đó là cuộc sống cậu cần.
Nếu như thế hệ bố mẹ Alimansyar nhìn về Nhật Bản, kẻ xâm lược trong quá khứ, với con mắt nghi ngại, thì Alimansyar và những thanh niên Indonesia khác lại cho rằng Nhật Bản tượng trưng cho sự chuyển mình trong thời gian kỷ lục từ một quốc gia bại trận suy tàn thành một nền kinh tế mạnh mẽ.
Ngày nay, Alimansyar đang dạy môn tiếng Nhật tại Đại học Bắc Sumatra, ngôn ngữ đang ngày càng thời thượng với hơn 500 sinh viên theo học. Họ luôn bị ám ảnh bởi những chiếc xe sang trọng, những đồ điện tử và sức hút Nhật Bản. “Người dân Indonesia nhìn về Nhật Bản như một hình mẫu tiêu biểu”, Alimansyar cho hay. “Họ muốn biết làm cách nào Nhật Bản có thể tái thiết đất nước từ con số không thành một cường quốc như vậy”.
Tiếng Nhật, ngày nay, đang thu hút nhiều người nước ngoài theo học hơn bất kỳ thời gian nào trong những năm tháng bong bóng huy hoàng, khi kinh tế Nhật chiếm lĩnh cả thế giới. Năm 2006, gần 3 triệu người trên toàn cầu đã chọn tiếng Nhật làm ngôn ngữ thứ 2 theo học, tăng gấp ba lần so với con số học viên năm 1990, theo thống kê chính phủ. “Người nước ngoài từng muốn học tiếng Nhật để kiếm việc làm. Nhưng giờ đây, họ học tiếng Nhật bởi họ quan tâm đến nền văn hoá Nhật” ông Tsutomu Sugiura, cố vấn Học viện Nghiên cứu Marubeni tại Tokyo, cho hay.
Để có thể truyền bá tiếng Nhật sâu rộng hơn, Quỹ Nhật Bản, tổ chức tương tự như Hội đồng Anh hay Viện Goethe của Đức, đã mời hơn 500 giáo viên từ hơn 50 quốc gia đến Nhật mỗi năm theo các chương trình huấn luyện đài thọ. (Alimansyar hiện là một học viên của chương trình này). Quỹ Nhật Bản còn lên kế hoạch thành lập 100 trung tâm tiếng Nhật ở nước ngoài vào năm 2010, tăng gấp đôi so với con số được cập nhật vào thời điểm tháng 5.2008.
Hồi tháng 5, Nhật Bản đã cho ra mắt chú mèo Hello Kitty như một đại sứ về du lịch, đúng hai tháng sau khi Doremon – chú mèo máy phép thuật, được mệnh danh là đặc sứ hoạt hình đầu tiên của quốc gia này. Hai đại diện họ mèo là biểu tượng rõ nhất cho thấy danh tiếng của Nhật ở nước ngoài gắn chặt với văn hoá pop.
Sự liên hệ này, chắc chắn, sẽ làm hài lòng tân Thủ tướng Taro Aso. Vị thủ tướng 68 tuổi, từng thừa nhận là “con nghiện” của dòng truyện tranh Nhật, đã kêu gọi nước Nhật nên theo đuổi cái mà ông gọi là “ngoại giao truyện tranh khôi hài”.
Chủ nghĩa quốc tế mà ông Aso đưa ra bắt nguồn sâu xa từ kinh nghiệm bản thân, một “của hiếm” trong số các chính trị gia Nhật Bản. Ông Aso không chỉ từng tốt nghiệp Đại học danh tiếng Stanford và Đại học Kinh tế London, mà còn có kinh nghiệm làm việc tại Sierra Leone và Brazil, nơi ông điều hành công việc kinh doanh mỏ của gia đình.
Nỗ lực đánh bóng ảnh hưởng toàn cầu
Một góc thành phố Kyoto (Nhật Bản) về đêm (Ảnh: destination360.com)
Là một người ủng hộ nhiệt thành cho các nỗ lực viện trợ nước ngoài của Nhật Bản, ông Aso đã ví von sự trợ giúp của Nhật cho các nước đang phát triển là “công cụ đáng tự hào để xuất khẩu nền văn hoá Nhật và là công cụ quan trọng để gieo rắc giá trị Nhật”.
Dù hiếm khi có thời gian tuyên bố rõ ràng các ưu tiên trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông, Thủ tướng Aso đã cam kết tiếp tục nỗ lực đánh bóng ảnh hưởng toàn cầu của Nhật. Trong một thập kỷ vừa qua, ngân sách viện trợ nước ngoài của Nhật đã bị cắt giảm. Vào đầu thập niên 1990, khi ngân khố Nhật đầy ắp tiền nhờ quãng thời gian dài phát triển kinh tế, Nhật Bản đã là nhà viện trợ lớn nhất thế giới. Nhưng ngày nay, Nhật Bản đã tụt xuống hàng thứ 5. Ông Aso có thể sẽ đẩy ngược xu hướng giảm tốc này.
Hồi tháng 8, Bộ Ngoại giao Nhật đã yêu cầu tăng 13,6% ngân sách viện trợ nước ngoài cho năm 2009. Đến tháng 10, hình ảnh của ông Aso đã chiếm trọn trang nhất các báo khi ông ký một khoản nợ kỷ lục 4,5 tỉ USD cho Ấn Độ. Nhưng trước đó, chính quyền Nhật đã kịp cam kết sẽ tăng gấp đôi số tiền viện trợ cho Châu Phi vào năm 2012. Vào thời điểm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Châu Phi đang gia tăng mạnh mẽ, Nhật Bản cũng tức tốc mở thêm ba đại sứ quán mới tại châu lục đen.
Viện trợ nước ngoài, tất nhiên, không phải là ngành kinh doanh vị tha như hình ảnh bóng bẩy của nó. Khi Nhật Bản cam kết tiền để xây dựng một con đường tại Châu Phi, các công ty Nhật sẽ hưởng lợi từ các hợp đồng sinh lãi. Nhưng viện trợ của Nhật mang ý nghĩa nhiều hơn việc chỉ giúp đỡ các công ty Nhật kiếm lời.
Cũng như việc một số người trong quỹ đạo chính sách đối ngoại Mỹ tin rằng Mỹ có sứ mạng truyền bá dân chủ khắp toàn cầu, ngày càng có nhiều người Nhật cho rằng cần phải gieo trồng hạt giống lý tưởng của họ khắp thế giới. Một nguyên tắc chính là khả năng hiện đại hoá mà không đánh mất cội nguồn. “Lịch sử của Nhật Bản trong thời hiện đại là đạt được các tiến bộ kinh tế hàng đầu và nền chính trị dân chủ mà không làm mất đi truyền thống và các bản sắc văn hoá”, Kazuo Ogoura, Chủ tịch Quỹ Nhật Bản, nhận định.
Bảo vệ môi trường là một giá trị được ca ngợi khác ở đất nước đã cho ra đời Hiệp ước Kyoto. “Các nhà lãnh đạo công nghiệp Nhật Bản luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của biến đổi khí hậu vì vậy họ chú trọng đến hiệu quả của năng lượng”, ông Takashi Hongo, cố vấn đặc biệt cho Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, nơi cung cấp tài chính cho các quốc gia nghèo hơn, cho hay. Chúng tôi có thể giúp đỡ các quốc gia đang phát triển có được cuộc sống tốt hơn, theo cách phát triển bền vững”.
Sẵn lòng học hỏi thế giới
Một sinh viên đọc sách trong thư viện (ảnh: inmagine.com)
Nhưng, Nhật Bản còn hơn cả những gì mà người ta nghĩ về môi trường xanh. Bất chấp nền kinh tế đang suy thoái, mức sống tại Nhật Bản vẫn rất cao. Không có gì nghi ngờ rằng một số người Nhật Bản đang tự cô lập, thỏa mãn trong vòng hào nhoáng của các cửa hiệu xa xỉ và các nhãn hiệu sang trọng. Glen Fukushima, cựu Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Nhật Bản, kêu than về việc dù người Nhật hiểu biết nhiều, nhưng lại ngại ngùng trong việc thể hiện bản thân.
Tuy nhiên, một số lượng đáng kể người Nhật, thế hệ đã lớn lên trong sự toàn cầu hoá, đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc gắn kết – và giúp đỡ - phần còn lại của thế giới. Người sáng lập Những ngọn gió hoà bình, ông Onishi, chỉ là một trong những người Nhật Bản đã thành lập ra tổ chức phi chính phủ quốc tế của mình. Thay vì trở thành một nhân viên cần mẫn, tẻ nhạt trong dây chuyền của các công ty nội địa, rất nhiều cử nhân tốt nghiệp những trường đại học hàng đầu của Nhật đang hăng say xin làm việc tại nước ngoài. Con số những người Nhật Bản nghiên cứu tại các trường đại học nước ngoài đã tăng gấp ba trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2004, lên 82.925 người.
Những người quay trở về nước cũng trở nên sẵn lòng học hỏi về thế giới. Ông Onishi nhớ lại khi ông là giảng viên khách mời tại hai trường đại học hàng đầu Tokyo và tự hỏi không rõ có học viên nào muốn nghe về những miền đất hẻo lánh trên thế giới. Và cả hai khoá đều kết thúc với số lượng sinh viên đăng ký nghe giảng đông kỷ lục. Nhiều sinh viên đã phải đứng do không có ghế ngồi.
Một thước đo khác đáng chú ý là con số các chuyên gia Nhật Bản đang làm việc cho Liên Hợp Quốc đã tăng lên con số gần 700, so với chưa đầy 500 người vào 7 năm trước. “Người dân Nhật Bản, nhìn chung, đều có cảm nghĩ rằng các quốc gia khác đã giúp họ tái thiết đất nước 60 năm trước. Vì vậy, họ cần phải làm điều tương tự vào thời điểm hiện tại”.
Luồng tư tưởng này đã giúp cho Tổ chức Tình nguyện viên Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JOVC đưa hơn 30.000 thanh niên Nhật tình nguyện đến hơn 70 quốc gia trên thế giới. Ngày nay, có rất nhiều tình nguyện viên Nhật Bản là phụ nữ hoặc người cao tuổi đang tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống thời hậu hưu trí của họ.
Phần lớn tham gia đóng góp trong những lĩnh vực rất Nhật: Canh tác lúa, điều hành các chương trình huấn luyện môi trường, giảng dạy toán và khoa học tại trường trung học. Chiyoko Ichishima, 33 tuổi, đã giúp những phụ nữ tại ngôi làng gần thủ đô Uganda nghề thủ công mỹ nghệ."Khi người Uganda nghĩ về Nhật Bản, họ lập tức nghĩ tới ô tô và các đồ công nghệ cao”, cô nói. “Nhưng là một người Nhật Bản, tôi thấy thật tuyệt vời khi được ở đây và giúp quảng bá nền văn hoá Uganda”.
Những người tình nguyện, đa phần, làm việc thầm lặng. JOCV thiếu sức lan toả toàn cầu của Tổ chức Hoà bình Mỹ. Sadako Ogata, cựu Cao Uỷ LHQ về người tị nạn, hiện đang điều hành Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, vốn đã trở thành cơ quan phát triển song phương lớn nhất thế giới. Nghị trình mà bà Ogata, một nhà hoạt động xã hội 81 tuổi không mệt mỏi, hướng tới là sẽ quảng bá hiệu quả hơn tất cả các công việc viện trợ mà Nhật Bản đang thực hiện ở nước ngoài. "Nhật Bản không cần phải chạy quanh khoác lác về những việc đang làm. Nhưng cung cách truyền thống: Khiêm cung và kiệm lời sẽ chẳng có ích gì trong việc chuyển tải thông tin về những gì Nhật Bản đã làm trên thế giới”.
Đánh giá lại vai trò
Có nhiều yếu tố khác đã và đang buộc Nhật Bản phải đánh giá lại vai trò của họ trên thế giới. Một trong số đó là tỉ lệ sinh sụt giảm tại xứ Phù Tang. Nhật Bản đang thiếu hụt nhân công. Để có đủ người làm việc trong các nhà máy và chăm sóc cho thế hệ già, quốc gia này cần phải nhập khẩu số lượng lao động lớn chưa từng có từ bên ngoài. Còn cách nào tốt hơn để đưa nhân công kỹ năng đến Nhật – những người có thể cũng đang xem xét việc chuyển đến Mỹ hoặc Australia – bằng cách khêu gợi sự quan tâm của họ đối với tất cả các giá trị Nhật Bản?
Tương tự như vậy, các công ty Nhật đang đối mặt với cạnh tranh toàn cầu. Họ buộc phải chuyển dần hoạt động ra nước ngoài để duy trì tăng trưởng. Đơn giản, chỉ là không có đủ người Nhật để mua sản phẩm trong nước. Với lượng xe hơi tiêu thụ nội địa giảm đáng kể, hãng Honda, một ví dụ, đã phải mở cơ sở sản xuất thứ hai ở Thái Lan để tăng gấp đôi sản lượng hàng năm tại đây lên 240.000 ô tô.
Các công ty dược phẩm Nhật đã mua lại các đối thủ Mỹ và Ấn Độ. Trong 10 tháng đầu năm 2008, tỉ lệ sở hữu ở nước ngoài của các công ty Nhật đã tăng đến gần 4 lần, lên mức 67 tỉ USD, theo Tổ hợp dữ liệu Recof. Nếu xu hướng này tiếp tục, đây sẽ là năm Nhật có sở hữu nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay.
Cùng với việc Nhật Bản gia tăng ảnh hưởng ở nước ngoài, quốc gia này cần biết cách chào đón thế giới trên đất nước mình. Nhìn lại thập niên 1980, vào đợt tấn công thị trường toàn cầu lần đầu tiên của các tập đoàn Nhật, rất nhiều các công ty được Nhật sáp nhập và mua lại đã lụn bại, do nhân công nước ngoài không chịu nổi quy tắc quản lý chặt chẽ và cứng nhắc của Nhật.
Tương tự, trừ phi Nhật giảm nhẹ các chính sách nhập cư khắt khe, những nỗ lực gieo trồng niềm đam mê các giá trị Nhật chỉ là sự lãng phí. Thực tế, từ việc thay đổi hình ảnh quá khứ của Nhật Bản, Thủ tướng Aso có thể đã làm rất tốt thông qua việc tái tạo cảm hứng từ một cô mèo. Hello Kitty – đại sứ thiện chí Nhật - không quá thiên về hình ảnh truyền thống Nhật Bản.
Họ của cô mèo không phải là Suzuki, hay Sato, mà là White, theo tiếng Anh, có nghĩa “Trắng”. Cha mẹ của Hello Kitty cũng mang cái tên đậm phương Tây là George và Mary. Hello Kitty đang hứa hẹn là mặt hàng xuất khẩu thành công nhất của Nhật, một biểu tượng mới về đất nước Nhật Bản cởi mở. “Arigato Kitty, hello world”! (Cảm ơn Kitty, xin chào thế giới)
No comments:
Post a Comment