Lưu Chính Huy
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Thời gian gần đây thái độ chống Trung Quốc dường như hiển hiện ngày càng nổi bật trong những câu chuyện của người Việt, thậm chí trên cả một số tờ báo chính thức (trước khi bài bị gỡ xuống).
Là một người Việt gốc Hoa, lớn lên và đang sống ở Sài Gòn, tôi cảm thấy cần có đôi lời nói lại với người Việt Nam, trong đó có không ít người là bạn của tôi.
Có một vài ý lớn tôi muốn đối thoại lại:
- Trung Quốc có phải là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam?
- Người Việt có quá dễ quên đóng góp của Trung Quốc cho Việt Nam?
- Mô hình phát triển của Trung Quốc là kém bền vững?
Kẻ thù truyền kiếp?
"Trung Quốc hăm he xâm lăng, Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ" hình như là mệnh đề chính trong nhiều đánh giá của người Việt về mối quan hệ mấy ngàn năm qua. Sử gia Hà Văn Tấn cho rằng Việt Nam là "dân tộc liên miên phải chống chiến tranh xâm lược".
Trong bài Mấy suy nghĩ về lịch sử Việt Nam và Tư tưởng Việt Nam (1984), ông Tấn còn nói "chủ nghĩa yêu nước là một kết tinh quan trọng và chủ yếu của lịch sử Việt Nam và tư tưởng Việt Nam". Ông không diễn giải ra, nhưng người ta hiểu chủ nghĩa yêu nước này có được là nhờ tinh thần chống ngoại xâm - chống "giặc" phương Bắc trước khi người Việt biết chống Pháp, chống Mỹ.
Mới nhất trong một lá thư đăng trên mạng, ông nhà văn Nguyễn Khắc Phục phán Trung Quốc là kẻ "mua chuộc, giả vờ ngọt nhạt, hữu hảo với những nơi xa, gây cảm tình, tạo đà để mưu lợi trong tương lai khi có cơ hội bành trướng, sắm vai anh hùng hảo hán, cứu khốn phò nguy, ra vẻ hào hiệp và nhân nghĩa, nhưng trắng trợn, trịch thượng, cậy mạnh hiếp yếu với những nước nhỏ hơn cạnh mình". Một quốc gia, nếu quả thực "đểu cáng" như thế, thì thực không xứng tồn tại trên cõi đời này.
Nhưng có thực quan hệ truyền thống Việt - Trung là quan hệ đấu tranh chống xâm lược hay không?
Thực tế, từ thế kỷ 10 đến khi Việt Nam độc lập năm 1945, hai nước chỉ đánh nhau năm lần: chiến tranh Lý - Tống 1075, Trần - Nguyên (tuy gọi là ba lần, nhưng thời gian cách nhau không nhiều, những người tham chiến lần đầu hầu hết cũng đánh lần ba, xem như có thể gọi là một: 1258, 1285, 1288), Minh - Hồ 1406, Minh - Lê (1427), Thanh - Tây Sơn 1789. 1000 năm, tổng cộng những năm binh lửa giữa hai nước là bao nhiêu?
Việt Nam không muốn nhận mình là phụ thuộc phương Bắc, nhưng chẳng phải Việt Nam đã bắt chước văn hóa, thể chể của các triều đại Trung Quốc?
Nó nói rằng mối quan hệ mang tính hữu hảo lớn hơn sự thừa nhận của nhiều người ngày nay.
Nếu gọi lịch sử Việt Nam là lịch sử của đấu tranh, thì nội chiến giữa người Việt mới kéo dài hơn nhiều, đặc biệt từ thế kỷ 16 với giao tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài cả hai thế kỷ.
Theo tôi, quan hệ truyền thống Việt - Trung 1000 năm qua là quan hệ của bằng hữu và thầy trò.
Việt Nam không muốn nhận mình là phụ thuộc phương Bắc (nên vẽ ra huyền thoại Hùng Vương 18 đời), nhưng chẳng phải Việt Nam đã bắt chước văn hóa, thể chể của các triều đại Trung Quốc đó sao?
Trung Quốc giúp đỡ
Khác với Tổng Bí thư Lê Duẩn, người phá vỡ quan hệ hữu nghị từ sau 1975, để lại hậu quả đến ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, đã luôn đề cao tình thân Trung Việt.
Không có Trung Quốc công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã chắc gì Liên Xô và khối Cộng sản công nhận và giúp đỡ Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ - nghĩa là chắc gì có Việt Nam như hôm nay?
Không có tướng Trần Canh và đoàn cố vấn, đã chắc gì có chiến thắng biên giới, khai thông đường giao thông Trung - Việt năm 1950? Không có tài năng của Tướng Vi Quốc Thanh, đã chắc Việt Nam đánh thắng Điện Biên Phủ?
Mối quan hệ "hai nước anh em, đồng chí" còn thể hiện qua sự viện trợ khẳng khái, nhiệt tâm của Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những ai lớn lên ở miền Bắc thời đánh Mỹ chắc đều thấu hiểu ý nghĩa Trung Quốc là "người bạn chiến đấu kiên cường và anh em ruột thịt". Thời đó, nói môi hở răng lạnh là tình cảm thật, chứ không phải tuyên truyền đâu.
Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông
Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với Trung Quốc
Nếu giới trẻ ngày hôm nay không biết những điều đó, không nghe tới "khai quốc công thần" của miền Bắc là Vi Quốc Thanh, thì đó là vì bộ máy tuyên truyền của Việt Nam từ sau 1975 đã lờ tịt mối quan hệ đồng cam cộng khổ ngày nào, thậm chí đưa cả Trung Quốc vào Hiến pháp, gọi là kẻ thù số một. Cư xử với người có ơn như thế, chắc người Việt không thiếu từ ngữ để diễn đạt, phải không?
Điều đáng buồn là hình như nhiều người Việt thiếu sự tự vấn, nhìn thẳng sự thật. Thậm chí chống Trung Quốc hình như đang là mốt với nhiều người hiện nay. Nhưng thái độ đó có khác gì thái độ của tập đoàn Lê Duẩn - Lê Đức Thọ, những người mà cũng bị Việt Nam hôm nay phê phán hoặc không muốn nhắc tới nhiều.
Trung Quốc và Mỹ
Người Việt thực dụng, nếu là thế cũng chả sao nếu như sự thực dụng ấy dẫn tới lợi ích quốc gia.
Nhiều người Việt đang lớn tiếng kêu gọi tránh xa Trung Quốc, bắt tay với Mỹ. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe nói đã đưa quan hệ hai nước lên tầm chiến lược.
Nhà "dân chủ" Nguyễn Thanh Giang, người hình như rất ghét Trung Quốc, thậm chí còn kêu gọi Trung Quốc xâm lược Việt Nam sớm. Vì sao? "Trung Quốc khởi binh đánh Việt Nam sẽ trao cho Hoa Kỳ cơ hội ngàn năm có một để ra tay hủy diệt tiềm năng quân sự và kinh tế của Trung Quốc, đẩy lùi một đại hiểm họa đang treo trước mắt nhân loại."
Nhiều người cũng thích dẫn ra các nghiên cứu, bình luận cho rằng sự phát triển của Trung Quốc là không bền vững, là sớm muộn cũng suy sụp.
Nhưng có thực Hoa Kỳ là cứu cánh cho sự phát triển của Việt Nam, và mô hình Trung Quốc là bất ổn tiềm tàng? Vậy mời bạn hãy đọc bài viết mới đây, The Great Unraveling, của Thomas Friedman (tác giả của Thế giới là phẳng, mà người Việt cũng rất thích trích dẫn).
Sàn chứng khoán Thượng Hải
Quá sớm nếu ai đó bĩu môi, coi chẳng ra gì hệ thống hài hòa mà Trung Quốc đang theo đuổi
Ông viết: "Thật đau lòng vì Trung Quốc, theo nhiều cách, có vẻ lại ổn định hơn Hoa Kỳ ngày nay, với chiến lược rõ ràng hơn để vượt khủng hoảng. Và mặc dù hai nước trông có vẻ giống nhau hơn, hai nước đang đi theo lộ trình lịch sử khác nhau. Trung Quốc điên rồ trong thập kỷ 1970 vì Cách mạng Văn hóa, và chỉ sau cái chết của Mao và sự thăng tiến của Đặng nước này mới sửa mình, dần tiến tới kinh tế thị trường."
"Nhưng trong khi chủ nghĩa tư bản đã cứu Trung Quốc, sự chấm dứt của chủ nghĩa cộng sản làm Mỹ mất thăng bằng. Chúng ta để mất hai đối thủ ý thức hệ lớn nhất - Bắc Kinh và Moscow. Ai nấy đều cần có đối thủ để giữ kỷ luật. Nhưng một khi chủ nghĩa tư bản Mỹ không còn phải lo chủ nghĩa cộng sản, có vẻ nó đã trở nên điên loạn."
Khủng hoảng kinh tế thế giới hiện thời xảy ra chính vì lòng tham không đáy của các ông chủ tư bản, trong đó dĩ nhiên có tư bản Mỹ. Thật bi hài khi Friedman, người cổ súy cho toàn cầu hóa (Mỹ hóa), nay phải thừa nhận Trung Quốc "có vẻ lại ổn định hơn" Hoa Kỳ.
Như thế, có buồn cười không khi bắt chước Mỹ lại được người Việt xem là tốt, quên khuấy máu lửa quê hương 30 năm trước, quên khuấy nghịch cảnh châu Mỹ Latin, sân sau của Washington?
Có thể còn quá sớm để nói về sự kết liễu của mô hình tự do kinh tế - dân chủ chính trị của Mỹ. Nhưng chắc chắc cũng quá sớm nếu ai đó bĩu môi, coi chẳng ra gì hệ thống hài hòa mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Tóm lại, điều tôi muốn nói là quan hệ Trung - Việt là quan hệ của những người bạn, tuy đôi khi xích mích nhưng gắn bó bởi nền văn hóa và lịch sử giao hảo lâu đời.
Tranh cãi ở Biển Đông là trở ngại ngoại giao lớn nhất, nhưng không nên vì thế mà vẽ ra "mối đe dọa Trung Quốc" của Việt Nam. Mô hình phát triển của Trung Quốc đã được Việt Nam học hỏi và Trung Quốc còn có thể đem lại nhiều lợi ích cho công cuộc phát triển của Việt Nam.
No comments:
Post a Comment