Chúng ta đang sống trong sự hoảng loạn về kinh tế. Ngân hàng, nhà cửa, việc làm và doanh nghiệp đều đang đối diện rủi ro.
Tuy nhiên, có một thứ dường như vẫn ổn định một cách đáng để tìm hiểu.
Đó là đồng đôla Mỹ. Nó là biểu tượng, và là đòn bẩy, của quyền lực và vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Nó là đơn vị chuẩn để đo phần lớn các hoạt động kinh tế thế giới.
Và trong thời gian khủng hoảng, nó thường là chốn trú ẩn.
Tuy nhiên về dài hạn, một số chuyên gia tin rằng cuộc khủng hoảng này sẽ đánh dấu một bước ngoặt đối với thế mạnh vốn có của đôla.
Khủng hoảng sẽ đẩy nhanh quá trình tuột dốc của sức mạnh đồng tiền vốn mất giá nhiều năm trước và chỉ khởi sắc trong giai đoạn gần đây.
Avinash Persaud, Chủ tịch Intelligence Capital Limited nói: “Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng tài chính ngày nay sẽ đẩy nhanh quá trình chấm dứt tình trạng đôla được lưu trữ như tiền tệ của thế giới”.
‘Đặc ân quá xá’
Khủng hoảng tài chính sẽ chấm dứt xu hướng lưu trữ đôla
Avinash Persaud, Chủ tịch Intelligence Capital Limited
Ông phân vân liệu chi phí chiến tranh gộp với các kế hoạch ứng cứu cho khu vực tài chính tại Hoa Kỳ có thể đang bị xem là một gánh nặng quá mức đối với Hoa Kỳ hay không.
Thế nhưng việc đôla không trở thành đồng tiền dự trữ sẽ chấm dứt điều được xem từ nhiều phương diện là lợi thế vô cùng lớn của Hoa Kỳ.
Lợi thế này đôi khi được xem là khả năng viết séc mà chẳng ai qui đổi séc ra tiền mặt.
Do vậy, đối với chính phủ Hoa Kỳ, thì đơn giản không có chuyện sống dựa vào nguồn khác nữa.
Với việc các phần còn lại của thế giới cần đôla, điều Hoa Kỳ cần làm là tiếp tục in tiền.
Tức là Hoa Kỳ có thể làm những việc mà không chính phủ nào có thể tưởng tượng được, một sức mạnh và các đối thủ của Hoa Kỳ từ trước tới này lên án và gọi đó là “đặc ân quá xá”.
Vào đầu những năm 1970, Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally thậm chí nói với các nước bằng giọng kẻ cả rằng đôla là “tiền của chúng tôi, nhưng là vấn đề của quí vị”.
Âu châu và euro
Trung Quốc dự trữ nhiều đôla do xuất khẩu mạnh
Kể từ đó Âu châu đã bắt đầu kiến tạo đồng tiền cho họ, euro, là đồng tiền đã và đang có một vai trò toàn cầu.
Đồng euro tăng sức mạnh so với đồng đôla và thách thức một số uy tín hào nhoáng của đôla.
Người mẫu đắt giá ở New York bắt đầu đề nghị ký hợp đồng thanh toán bằng euro thay vì đôla.
Tuy nhiên giới lãnh đạo Âu châu chưa muốn thấy đồng tiền của họ là nguồn dự trữ ngoại hối của thế giới.
David March, chuyên viên ngân hàng, mới hoàn tất cuốn sách về sự khai sinh của euro nói “Châu Âu có ít tham vọng hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ”.
Rủi ro tiềm ẩn
Vậy một ngôi sao kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc có thể rồi sẽ tiếp quản vai trò chi phối toàn cầu thay cho đôla hay không ?
Hiện tại, Trung Quốc thiếu các thị trường mở và các định chế hỗ trợ cho vai trò đó.
Tuy nhiên Avinash Persaud chỉ ra rằng cách đây khoảng một thế kỷ thì người ta cũng nói điều tương tự với Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ không có Ngân hàng Trung ương cho tới năm 1913, tuy nhiên chỉ sau đó vài thập niên đồng đôla đã thay thế đồng bảng Anh với vị thế thống soái toàn cầu.
Vào lúc này, Trung Quốc đang đối diện rất nhiều rủi ro đối với những gì sẽ xảy ra với đôla Mỹ bởi Trung Quốc đã tích trữ hơn 1000 tỷ đôla nhờ giai đoạn xuất khẩu lớn vừa qua.
Do đó Trung Quốc có lợi ích gắn liền với đồng đôla được giá. Tuy nhiên Bắc Kinh cũng có lợi thế có thể làm khuynh đảo đồng tiền Hoa Kỳ nếu họ quyết định làm như vậy.
Đôla được giá làm giới xuất khẩu Mỹ khó bán hàng
Một cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ gọi khả năng này là “cán cân khủng bố tài chính”.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng vì quyền lợi gắn liền như vậy nên khả năng đe dọa tài chính là có giới hạn.
Do đó, người ta thấy sẽ có một kiểu mới trong lối ngoại giao kinh tế, đặc biệt là đối với các Quốc gia vùng Vịnh.
Các nước này không chỉ trữ đôla mà còn bán dầu bằng đôla.
Chính phủ Mỹ đang nằm trong thế tiến thoái lưỡng nan. Các nước trữ nhiều đôla có thể yêu cầu đồng đôla mạnh, nhưng đôla được giá lại làm các nhà xuất khẩu Mỹ bất lợi.
Đôla được giá khiến cho việc chế tạo xe hơi và máy tính bán ở nước ngoài với giá đắt hơn.
Do vậy người ta đã để đôla trượt giá âm thầm trong vòng sáu năm qua và đôla yếu là bàn đạp cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ.
Jim O’Neill, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu của Goldman Sachs, tin rằng chúng ta đang đối diện thực trạng đáng lo ngại vì sẽ không có đồng tiền nào đóng vai trò lãnh đạo theo lối đôla Mỹ như trước.
Do vậy Tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ có nhiệm vụ phải cân bằng sao cho tế nhị.
Nếu các nước trữ nhiều đôla không hài lòng với những gì xảy ra với đồng tiền này, họ có thể sẽ tìm giải pháp thay thế.
Và mọi người đều biết rằng sức mạnh của đôla sẽ tới lúc suy bởi cán cân sức mạnh kinh tế đã thay đổi.
Vậy là đôla Mỹ không chỉ là đồng tiền của Hoa Kỳ và là vấn đề của mọi nước. Đôla nay là tiền của thế giới, và vấn đề nằm chủ yếu ở Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment