Trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á hồi 1997-1998, các chuyên gia tài chính Mỹ giảng cho Châu Á về quản trị, minh bạch, và thị trường tự do. Từ đó, Châu Á đã tăng cường tiết kiệm và tìm nơi an toàn để gửi tiền. Tiền gửi của Châu Á đã góp phần cho phép Chính phủ Mỹ chi tiêu quá lớn và xa rời kỷ luật ngân sách. Trong bài viết, Giáo sư Linda Lim của đại học Michigan cho thấy do ngại rủi ro, Châu Á không thể sánh với Mỹ về chi tiêu, nhưng có thể dạy cho các thị trường toàn cầu về kỷ luật ngân sách.
Toàn cảnh khủng hoảng tài chính - ngân hàng 2008
Theo dòng sự kiện cuộc khủng hoảng tài chính 2008
Vai trò giảng dạy đã đổi? (ảnh minh họa: daylife, barnes&noble)
Nhìn lại cách đây 10 năm
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Hàn Quốc đã phản đối “thang thuốc” của IMF. Ngày nay, dân châu Á yên ổn ngồi nhìn các ngân hàng Mỹ bị quốc hữu hóa.
Đó là những thay đổi sau một thập niên. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, các chuyên gia ngân hàng và học giả phương Tây luôn chê bai Châu Á quản lý lỏng lẻo và thiếu minh bạch. Nay họ lại trông chờ sự hỗ trợ từ châu Á, khi hào quang hệ thống tài chính Anh-Mỹ đã tắt.
Sự sụp đổ kinh tế và tiền tệ của các quốc gia ở châu Á lúc đó không phải do hoang phí tiền tệ hay ngân sách. Ngân sách không thâm hụt cao, không xảy ra lạm phát do in tiền.
Các chuyên gia phương Tây đã giảng cho Châu Á... (ảnh: daylife)
Một số nước như Thái Lan đã cố định tỉ giá với đồng đô la, khi đô la mạnh lên thì đồng tiền của họ cũng có giá quá cao, đồng thời quá trình tự do hóa thị trường vốn đã thu hút dòng vốn ngắn hạn từ bên ngoài đổ vào. Dòng ’’tiền nóng" này đã tạo ra những bong bóng tài sản và gây thâm hụt lớn trong tài khoản vãng lai, từ đó hấp dẫn giới đầu cơ tiền tệ.
Một số nước, ví dụ như Indonesia, là nạn nhân của sự hoảng loạn tài chính, sau khi thấy đồng tiền sụp đổ ở nước láng giềng.
Từ đó, hầu hết các nhà kinh tế kết luận rằng tự do hóa thị trường vốn ở những nước đang phát triển không hẳn là tốt, lại còn không cần thiết và thậm chí có hại.
Sau khủng hoảng, các chính phủ và khu vực tài chính châu Á không thực hiện mô hình thị trường tự do kiểu Anh-Mỹ một cách đầy đủ, chỉ có Hàn Quốc là cho phép những đại gia cỡ Goldman Sachs mua lại một số ngân hàng trong nước. Ở mức độ vĩ mô, cuộc khủng hoảng làm tăng tâm lý lo ngại rủi ro, khiến các nước tăng cường mạnh mẽ mức thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối.
Còn Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục kiểm soát dòng vốn. Trung Quốc cũng giữ tỷ giá với đồng đô la cố định từ năm 1994.
Nước Mỹ trở thành nạn nhân của bài giảng
Khi đồng đô la giảm giá trong vài năm gần đây, thì tiền Trung Quốc cũng sụt giá tương ứng so với đồng Euro và đồng Yên. Các quốc gia châu Á khác cũng phải kiểm soát đồng tiền của họ để đảm bảo khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu. Để ngăn chặn tình trạng nâng giá tiền tệ thì họ phải chuyển thặng dư vốn và ngoại hối sang đô la, chủ yếu mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Dòng vốn từ nước ngoài này đã giúp chính quyền Bush nâng thâm hụt ngân sách lên mức cao chưa từng có, để cắt giảm thuế, tăng chiến phí, trợ cấp nông nghiệp, phúc lợi y tế cho người cao tuổi...
Cũng không có gì ngạc nhiên, khi thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ tăng mạnh cùng lúc với bùng nổ về tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu công. Trước khi trở thành Thống đốc Ngân hàng Trung ương, giáo sư kinh tế Ben Bernanke của trường Princeton đã cho biết nguồn tiền tiết kiệm toàn cầu, đa phần từ châu Á, có thể giúp chính phủ Mỹ duy trì thâm hụt ngân sách trong thời gian dài.
Những nhà kinh tế ít lạc quan hơn như cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers thì gọi đó là "sự cân bằng hoảng sợ về tài chính". Ông cảnh báo rằng, người nước ngoài sẵn sàng giữ tài sản tài chính Mỹ dù đã giảm giá trị, chỉ vì nếu rút tiền về thì họ còn mất nhiều hơn. Nỗi hoảng sợ ấy đã thành hiện thực tháng vừa qua, nhưng không phải do sự rút lui của nhà đầu tư nước ngoài, mà chính từ phố Wall.
Vay địa ốc dưới chuẩn an toàn và các loại hình chứng khoán hóa tiếp theo làm cho hệ thống tài chính vượt khỏi vòng kiểm soát (ảnh: daylife)
Các mức lãi suất thấp nhờ dòng vốn nước ngoài và chính sách của Fed đã khuyến khích các tổ chức tài chính mạo hiểm tìm kiếm lợi nhuận cao. Họ phát triển ra nhiều công cụ tài chính rất phức tạp, trong đó có vay địa ốc dưới chuẩn, chứng khoán hóa, chứng khoán phái sinh, hoán đổi tín dụng… và sự bùng nổ các quỹ đầu tư rủi ro.
Khác với những đồng nghiệp ở châu Âu, các ngân hàng và nhà đầu tư châu Á thời hậu khủng hoảng tiếp tục bảo toàn và tránh rủi ro, vì thế họ ít tham gia trực tiếp vào các loại chứng khoán mới. Tuy nhiên, đến nay họ cũng bị tác động bởi cơn địa chấn tín dụng toàn cầu.
Từ năm ngoái, khi quả bong bóng cho vay địa ốc tan vỡ, các quỹ tài chính nhà nước ở châu Á cũng như các nước xuất khẩu dầu và tài nguyên (như Na Uy, Australia và các nước vùng Vịnh) đã tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Trái phiếu chính phủ Mỹ không còn hấp dẫn, do Fed liên tục cắt giảm lãi suất, lạm phát Mỹ tăng cao, và đồng đô la không ngừng mất giá.
Họ bắt đầu mua cổ phần lớn trong các tổ chức tài chính phương Tây như Blackstone (CIC của Trung Quốc mua) và UBS, Citigroup, Merrill Lynch (GIC và Temasek của Singapore mua). Trước đây, các công ty nhà nước như Dubai Ports World, hay CNOOC và các công ty truyền thông của Trung Quốc đã nỗ lực mua "tài sản cứng" ở Mỹ, nhưng họ thường bị chặn đứng bởi chủ nghĩa dân tộc. Tuy nhiên, từ thời điểm này năm ngoái, ít nhất là phố Wall đã trân trọng vốn nước ngoài hơn.
Liệu Châu Á có cứu nổi thế giới?
Trớ trêu thay, những quỹ quốc gia được ưa chuộng chính vì họ là sở hữu nhà nước. Khi không còn nhà đầu tư tư nhân lớn nào muốn đổ tiền vào các tổ chức tài chính đang rắc rối, thì các quỹ nhà nước lại có thể. Do nhà nước sở hữu, họ có thể đầu tư dài hạn hơn, chấp nhận rủi ro cao hơn, ít trách nhiệm giải trình hơn, và nếu họ lỗ thì cũng không lo cổ đông rút vốn.
Nhưng các quỹ đầu tư nhà nước cũng không thể đi quá đà. Họ quan ngại về phản ứng của các nhà bảo hộ trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Họ cũng ngại đối mặt với quy định ngặt nghèo về công bố thông tin, một khi mua đến tỷ lệ nào đó (khoảng 10%) cổ phần trong một tổ chức tài chính của Châu Âu hay Mỹ.
Họ cũng ngại “ném lao phải theo lao” khi những khoản đầu tư như vậy đã mất đến 40% giá trị hay hơn nữa, đặc biệt là phản ứng chính trị trong nước khi họ đổ tiền cứu các tổ chức phương Tây. Ví dụ, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc đã bị Chính phủ cấm mua lại ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc thì bị cư dân mạng chỉ trích là phung phí tiền của người dân vào các dự án đầu tư tài chính mạo hiểm ở nước ngoài thay vì cứu nhà đầu tư trong nước đang khốn đốn bởi trên thị trường chứng khoán nội địa, hoặc đầu tư vào nhu cầu xã hội trong nước.
Tuy nhiên, khi thị trường tài chính tiếp tục sụt giảm và khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã ngã ngũ, thì các quỹ đầu tư nhà nước có thể tái chiếm lĩnh thị trường, vơ vét những tài sản đang bán đổ bán tháo. Ngân hàng Mitsubishi của Nhật đang làm vậy với Morgan Stanley, và Nomura Securities đã mua các tài sản ở nước ngoài của Lehman. Chuyện này đã từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, chỉ khác là vai trò đã đảo ngược.
Tuy nhiên, trừ phi người Mỹ sẵn lòng để chính phủ nước ngoài kiểm soát các tài sản tài chính cơ bản, vốn là trung tâm của hệ thống tư bản Mỹ, dòng vốn này sẽ không đủ lớn để tạo ra sự khác biệt đáng kể với thị trường vốn.
Người tiêu dùng châu Á cũng không thể cứu kinh tế Mỹ bằng cách mua thật nhiều hàng xuất khẩu của nước này, bởi vì Mỹ chiếm khoảng 20% GDP của thế giới trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 5%. Tăng tiêu dùng ở châu Á chủ yếu là mua hàng hóa và dịch vụ của nhau, hơn là mua hàng của Mỹ, đắt hơn và ở xa hơn.
Đừng trông chờ nguồn vốn từ Châu Á cứu giúp (ảnh: daylife)
Vì thế, đừng trông chờ nguồn vốn hay tiêu dùng Châu Á sẽ cứu nguy cho kinh tế phương Tây. Mặt khác, rất có thể sự thất bại của kinh tế tư bản thị trường phương Tây sẽ thúc đẩy sự trở lại của những chế độ kinh tế - chính trị dựa vào nhà nước nhiều hơn, một sự thay đổi hoàn toàn so với xu hướng tự do hóa của thập kỷ 1990.
Điều gì sẽ đến với Châu Á?
Chúng ta có thể tính đến ba kết quả sau:
Đầu tiên, việc tự do hóa tài chính, thị trường hóa và dân chủ hóa ở châu Á sẽ diễn ra với tốc độ chậm hơn bởi tính cẩn trọng trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thứ hai, châu Á tiếp tục tăng đầu tư tài chính và đầu tư trực tiếp vào Mỹ, song không tăng mạnh và nhanh.
Thứ ba, đối lập với xu hướng một chiều sau cuộc khủng hoảng 1997 là “học tập phương Tây” về quản lý hệ thống tài chính, sẽ có thêm những học tập và chia sẻ hai chiều. Khác với những gì đã hình dung cách đây 10 năm, Chính phủ sẽ đóng vai trò lớn hơn về quản lý cũng như đầu tư. Thay vì hệ thống tài chính toàn cầu đặt ra kỷ luật cho các chính phủ, mà các chính phủ cũng đặt ra kỷ luật cho những thành viên của thị trường toàn cầu.
Cuối cùng, kinh tế châu Á sẽ chưa bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào tiết kiệm cao, tiêu dùng thấp, đầu tư cao, xuất khẩu nhiều, thặng dư tài khoản vãng lai lớn, dự trữ ngoại hối cao, và quản lý tiền tệ chặt. Ở cả châu Á và Mỹ, vai trò nhà nước vẫn tồn tại trong kinh tế.
No comments:
Post a Comment