Đầu tuần này, tòa án Singapore đã phán quyết bắt lãnh đạo đảng đối lập tại nước này phải trả hơn 400.000 đôla Mỹ tiền bồi thường cho thủ tướng Lý Hiển Long và cha ông là Lý Quang Diệu vì tội thóa mạ họ.
Tổng thư ký đảng Dân chủ Singapore (SDP), Chee Soon Juan và chị của ông, cả hai người đều đã tuyên bố phá sản nhưng vẫn bị xử phạt.
Tờ báo điện tử Asia Sentinel nhận xét rằng gia đình nhà ông Lý nay đã sử dụng tòa án Tối cao của Singapore để đưa đảng đối lập vào bước đường cùng.
Bản thân ông Chee Soon Juan giải thích rằng không chỉ vụ này, mà một loạt các vụ khiếu kiện khác từ "gia triều" họ Lý đã làm đảng của ông khánh kiệt.
Đây là lần thứ bảy ông Chee bị án tù tại Singapore, bốn lần vì tội diễn thuyết trước công chúng mà không được phép, một lần vì tội xuất cảnh bất hợp pháp và một lần trước lần này vì tội "gây rối nền luật pháp."
Ông Chee hiện vẫn nói cứng rằng phán quyết sẽ không thay đổi được con đường mà ông chọn đi và rằng "nó chứng tỏ về các vấn đề mà người Singapore cần biết" về chính đất nước của mình.
Phá sản
Đây không phải lần đầu tiên gia đình ông Lý dồn một đảng chính trị vào chỗ phá sản.
Luật sư Joshua B. Jeyaretnam, người vừa qua đời ngày 30/9 ở tuổi 82 đã có ba thập niên tranh chấp không thành với ông Lý Quang Diệu.
Trong thư chia buồn gửi tới con trai ông, thủ tướng Lý Hiển Long còn tiếp tục buộc người đã khuất là không chịu tham gia "kiến thiết một nền đối lập có tính xây dựng".
Năm 1981, khi ứng cử tới lần thứ sáu, ông Jeyaretnam đã trở thành chính trị gia đầu tiên chiến thắng trước ứng viên của đảng Nhân dân Hành động bất khả chiến bại, vốn đã lãnh đạo Singapore từ ngày giành độc lập.
Singapore xếp thứ hạng thấp về tự do báo chí
Thế nhưng vui chẳng tày gang, Chính quyền đã phản ứng bằng cách xóa sổ luôn khu vực cử tri Anson của ông và khởi đầu một quá trình khiếu kiện mà cuối cùng, theo tính toán của luật sư Jeyaretnam, đã làm ông mất tới 1,6 triệu đôla Singapore.
Ông Jeyaretnam cuối cùng bị tù năm 1986 vì tội khai man. Ông đã mang vụ của ông ra kiện ở tòa án các nước Khối thịnh vượng chung tại London và được phán quyết rằng ông là nạn nhân của bất công. Thế nhưng lúc đó, Singapore đã quyết định bãi bỏ quyền của công dân ra khiếu kiện tại tòa này.
Sau thời gian đó, ông Jeyaretnam thành lập một đảng đối lập riêng để tiếp tục đấu tranh nhưng không thành công cho tới khi ông ốm bệnh.
Bất đồng
Báo Asia Sentinel cho hay gia đình nhà Lý tiếp tục "cuộc thánh chiến" của mình chống lại bất cứ ai bất đồng chính kiến với họ.
Họ không ngần ngại đưa một loạt báo chí nước ngoài ra tòa.
Vụ gần đây nhất là hồi tháng Chín, khi tờ Wall Street Journal phiên bản Á châu bị kiện vì ba bài báo đăng hồi tháng Sáu và tháng Bảy vì đã "công kích tính trung lập, quyền độc lập của nền luật pháp Singapore".
Ngày 24/9 thẩm phán Woo Bin Lih phán quyết gia đình ông Lý thắng trong vụ kiện một tạp chí khác thuộc tập đoàn Dow Jones là tờ Far Eastern Economic Review (FEER) vì lý do ông Lý Quang Diệu đã bị bôi xấu trong bài phỏng vấn giữa tổng biên tập tạp chí này, Hugo Restall, với tổng thư ký đảng đối lập Chee Soon Juan hồi năm 2006.
Trong phỏng vấn này có cáo buộc ông Lý đã dùng tòa án để trấn áp đối lập.
Ông Lý Quang Diệu đã kiện tờ FEER nhiều lần, đồng thời mang các báo khác như Time Asia, Asian Wall Street Journal, International Herald Tribune, và Financial Times ra tòa.
Tạp chí Economist và hãng tin Bloomberg cũng bị kiện dù không đăng gì có thể gọi là thóa mạ.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đặt Singapore vào vị trí 140 trong số 167 nước yếu về tự do báo chí.
Singapore đã bắt nhiều phóng viên nước ngoài phải rời nước này vì viết bài chỉ trích chính phủ và gi danh họ vào danh sách đen để không được nhập cảnh lần nữa.
Báo chí nước ngoài nhiều lần kêu gọi nước này cải thiện tự do báo chí, nhưng cho tới giờ này, dường như chính quyền ông Lý vẫn để các kêu gọi đó ngoài tai.
No comments:
Post a Comment