Vì sao khi lạm phát xảy ra nền kinh tế trở nên trì trệ? Chúng ta có thể làm gì để đối phó với lạm phát? Trên hàng loạt các báo (như báo Tuổi trẻ) đang kêu gọi mọi người cùng nhau tiết kiệm để chống lạm phát, liệu đó có phải là việc làm đúng?
Bài viết hôm nay xin trình bày một cái nhìn cũ mà không cũ về lạm phát. Bài viết chỉ mang tính chia sẻ một quan niệm, mong được các saganor đóng góp ý kiến.
Lạm phát ở nước ta có thể nói đã nhen nhóm từ năm 2006 và đã thật sự bùng nổ vào năm 2008 này. Các chính sách vĩ mô từ nhà nước nhằm đối phó với lạm phát có thể xem là những liều thuốc đúng với ...sách vở về Kinh tế vĩ mô. Các biện pháp thắt chặt dòng lưu thông ra ngoài của tiền tệ đã được áp dụng một cách mạnh mẽ: Điều chỉnh tỉ lệ lãi suất, Tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, bắt buộc các ngân hàng mua công trái v.v.. Về mặt vĩ mô mà nói, đó thật sự là các biện pháp hiệu quả để thắt chặt cung tiền (vì lạm phát là do có quá nhiều tiền trong lưu thông), từ đó cân đối lại các luồng tiền trong lưu thông. Thế nhưng có một vấn đề luôn xảy ra biến các biện pháp trên của nhà nước vô tình trở thành đà hãm tốc độ phát triển kinh tế.
Vấn đề đó là lạm phát ngoài ý nghĩa có lượng dư tiền trong lưu thông, nó còn bao hàm việc giá cả tăng đột biến (tốc độ tăng giá cao hơn tốc độ tăng GDP) của các mặt hàng thiết yếu hàng ngày. Như vậy, khi nhà nước thực hiện các chính sách thắt chặt cung tiền như trên, vô tình đã đẩy người dân đối mặt với 2 vấn đề:
1. Giá cả mặt hàng thiết yếu tăng
2. Nguồn cung tiền bị thắt chặt
Với cảm nhận của một người dân bình thường, chỉ cần một trong hai vấn đề trên xảy ra, họ sẽ ngay lập tức tìm cách tiết kiệm chi tiêu. Ở đây, đồng loạt cả 2 vấn đề cùng xảy ra thì việc tiết kiệm chi tiêu của họ sẽ càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Vì thế hàng loạt các bài báo trong giai đoạn vừa rồi đã kêu gọi toàn dân tiết kiệm nhằm đối phó với lạm phát.
Thế nhưng trong kinh tế vĩ mô cũng có một nghịch lý:" Quốc gia nào càng tiết kiệm, quốc gia đó càng nghèo."
Tôi xin nêu một ví dụ cụ thể giúp các bạn dễ hình dung: Giả sử toàn quốc gia chúng ta chỉ có 3 nhóm người
Nhóm 1: những người công nhân làm việc cho công ty kinh doanh vật liệu xây dựng.
Nhóm 2: những người chủ của công ty xây dựng.
Nhóm 3: Những người kinh doanh cửa hàng ăn uống phục vụ cho cả 2 nhóm trên
Khi không có lạm phát :
Nhóm 1 sẽ ăn thường xuyên ở nhóm 3, nhóm 3 thu được lợi nhuận nhiều và sẽ mua nhiều vật liệu xây dựng từ nhóm 2 nhằm xây dựng nhà cửa, mở rộng cơ sở sản xuất. Nhóm 2 bán được nhiều vật liệu cũng có nghĩa là tạo công việc làm ổn định, đầy đủ cho nhóm 1. Và nhóm 1 nhận được nhiều tiền lương từ nhóm 2 rồi tiếp tục chu trình ăn ở nhóm 3 như trên. Quá trình này sẽ giúp cho kinh tế ngày càng phát triển.
Khi lạm phát xảy ra
Giá cả tăng nhanh làm những người nhóm 1 không còn ăn nhiều ở nhóm 3, nhóm 3 không có nhiều lợi nhuận để có thể tiếp tục mua vật liệu từ nhóm 2. Vì nhóm 2 không bán được vật liệu nhiều nên không tạo được công việc cùng đồng lương ổn định cho nhóm 1. Nhóm 1 không nhận được nhiều tiền lương như trước thì lại càng tiết kiệm chi tiêu cho nhóm 3, chu trình này cứ tiếp tục và làm cho nền kinh tế trì trệ.
Ví dụ trên cũng giải thích rõ vì sao khi lạm phát xảy thì nền kinh tế sẽ phát triển trì trệ.
Từ ví dụ trên rõ ràng chúng ta có thể thấy, ngay cả khi lạm phát xảy ra, nếu người dân tiết kiệm chỉ làm cho nền kinh tế thêm trì trệ. Nếu người dân vẫn tiêu dùng bình thường như trước khi lạm phát, nền kinh tế sẽ nhanh chóng vượt qua cơn suy thoái. Tuy nhiên, đó phải là sự tiêu dùng có chọn lọc. Tức là, chính phủ cần giúp cho người dân hiểu hơn nữa về tinh thần dân tộc, khuyến khích người dân tiêu dùng hàng trong nước (làm như vậy sẽ giúp doanh nghiệp tạo đầy đủ công ăn việc làm cho người dân trong nước), giảm triệt để các khoản chi tiêu hàng nước ngoài (dòng tiền từ sự tiêu dùng này sẽ đi ra ngoài quốc gia).
Bài viết trên chỉ mong chia sẽ một nhìn nhận khác, một hướng giải quyết khác cho vấn đề lạm phát. Rất mong nhận được sự chia sẽ từ các bạn Saganor.
No comments:
Post a Comment